Cư dân sống trong rừng phòng hộ với nỗi lo mùa mưa bão

Thứ Sáu, 14/08/2020 | 17:11

Với diện tích hơn 4.000ha, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu nối liền một mạch 56km từ thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) đến giáp ranh TX. Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Hiện có hàng trăm hộ dân sinh sống trong rừng phòng hộ, hầu hết cuộc sống đều rất khó khăn; đặc biệt là vào mùa mưa bão, họ lại thêm chất chồng nỗi lo giông lốc, nước biển dâng… khi sống trong những ngôi nhà xập xệ, tạm bợ.

Mong được sớm di dời

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, toàn tỉnh có 1.399 hộ dân vi phạm hành lang đê biển (trong đó, 671 hộ sống trong hành lang phía biển và 728 hộ nằm phía đồng). Chỉ có một số hộ được chính quyền cấp sổ hộ khẩu, tạm trú và được hỗ trợ thông qua chính sách nhận khoán đất rừng phòng hộ để phát triển kinh tế bằng hình thức nuôi tôm quảng canh; số đông còn lại thì tự cất chòi, làm nhà tạm để ở, chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi từ rừng, biển như bắt tôm, cá, đào bới sâm đất, kể cả việc… phá rừng.

Theo cha vào Mương 4 (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) sinh sống đến nay đã hơn 40 năm, bà Lâm Thị Khiết cho biết: “Chúng tôi sống trong rừng thiếu thốn trăm bề, nhà cửa chủ yếu cất tạm bằng cây lá địa phương, mỗi năm cứ đến mùa mưa bão là nơm nớp nỗi lo phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Đó là chưa kể mùa mưa bão thì không thể ra biển, mất thu nhập và đói khổ là chuyện không thể tránh”.

Tuy không sống lọt thỏm trong những vạt rừng nhưng cuộc sống nhiều hộ dân ở ven rừng phòng hộ phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) cũng gặp khó khăn không kém khi chỉ qua mấy trận mưa đầu mùa mà đã có hàng chục căn nhà bị sập ngã. Bà Đỗ Thị Thu Ba - một hộ dân sống ở rừng phòng hộ phường Nhà Mát, lo lắng: “Căn nhà của tôi tệ lắm rồi, chỉ sợ không qua nổi mùa mưa năm nay. Mỗi khi trời mưa lớn là mẹ con tôi không dám ngủ vì sợ nhà có thể sập bất cứ lúc nào”.

Phải thường xuyên đối mặt với tình trạng giông lốc, nước biển dâng nên người dân sống trong rừng phòng hộ ngày đêm thấp thỏm lo âu, mong muốn lớn nhất của họ là sớm được di dời đến các khu tái định cư, có việc làm với thu nhập ổn định...

Những căn nhà cất tạm bợ trong rừng phòng hộ. Ảnh: M.L

Di cư phải gắn với lạc nghiệp!

Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, điều dễ dàng nhận thấy nhất là mỗi mùa mưa bão đến thường xảy ra tình trạng giông lốc cục bộ và đáng lo hơn là tình trạng sạt lở cửa biển gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, nhất là cư dân sống trong rừng phòng hộ.

Trước tình hình trên, thời gian qua, tỉnh đã có chủ trương di dời cư dân sống trong rừng phòng hộ đến khu tái định cư mới. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu thực hiện. Tuy nhiên, đi cùng với việc an cư thì một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là lạc nghiệp. Do đa phần cư dân sống trong rừng phòng hộ chủ yếu gắn bó với nghề biển nên cũng gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho người di cư bằng các biện pháp như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn... Thế nhưng, chỉ có một số ít hộ chịu chuyển ngành nghề, còn lại đa phần là chấp nhận cuộc sống rủi may nhờ nguồn lợi từ biển. Đó là chưa kể đến một số hộ ý thức kém, không chịu khó lao động mà trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Để giúp những cư dân sống trong rừng phòng hộ được an cư lạc nghiệp, thiết nghĩ, ngoài việc sớm đẩy nhanh thực hiện các dự án tái định cư thì các cấp chính quyền cần hỗ trợ họ trong việc gia cố lại nhà cửa, thực hiện các mô hình sinh kế để họ có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.