Công tác đào tạo nghề: Cần xây dựng kế hoạch mang tính chiến lược

Thứ Tư, 11/12/2019 | 16:08

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm không chỉ là giải pháp trong thực hiện công tác giảm nghèo, mà còn là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác này sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu kiểm tra tay nghề của sinh viên Khoa Chế biến thủy sản. Ảnh: T.A

Từ đầu năm 2019, ngành LĐ-TB&XH và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm với nhiều giải pháp, mô hình khác nhau. Trong năm, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 38.538 lao động (đạt 101,4% kế hoạch năm). Trong đó, đào tạo đại học là 464 sinh viên, cao đẳng 899 sinh viên, trung cấp 720 học viên, sơ cấp 2.150 học viên, học nghề dưới 3 tháng là 11.388 học viên, truyền nghề 10.147 lao động, kết hợp đào tạo trong và ngoài tỉnh 12.500 người. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 58,17%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều bất cập mà ngành quản lý và các địa phương cần quan tâm hơn nữa. Đó là việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm của tỉnh chỉ tập trung ở khâu sau đào tạo, còn chất lượng nguồn nhân lực dường như chưa được chú trọng. Bằng chứng là trên 90% lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm chủ yếu làm các nghề phổ thông.

Cùng với đó là vấn nạn “chảy máu” nguồn lao động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp treo biển thông báo tuyển dụng lao động, nhất là các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu luôn trong tình trạng thiếu lao động. Song, nhiều lao động của địa phương lại bỏ quê đi lao động ngoài tỉnh. Cụ thể, năm 2019 Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho 24.594 người (đạt 136,6% kế hoạch năm), nhưng số lao động được giải quyết việc làm tại địa phương chỉ có 5.596 người, còn 18.990 người đi lao động ngoài tỉnh!

Con số trên cho thấy, việc xây dựng một kế hoạch hay chiến lược cho công tác đào tạo nghề thật sự rất cần thiết. Bởi, Bạc Liêu đang đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều dự án động lực nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ phát triển “5 trụ cột”. Đó là lực lượng công nhân ở các nhà máy điện gió, điện khí, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu chế biến hàng xuất khẩu… Thế nhưng, đến nay Bạc Liêu vẫn chưa đào tạo được những công nhân có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực này.

Đơn cử như trụ cột về phát triển thủy sản - xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm công nghiệp của cả nước (trong đó có việc chế biến tôm xuất khẩu), nhưng phần lớn công nhân chỉ mới sản xuất, chế biến ở những khâu thô sơ như lột vỏ tôm, lặt đầu, xếp hộp… Cho nên, sản phẩm chỉ là tôm đông lạnh. Trong khi đó, để phát huy giá trị mang lại từ con tôm, doanh nghiệp cần chế biến con tôm thành các mặt hàng giá trị gia tăng cao như tôm lăn bột, tôm tẩm tỏi, tôm xiên que…

Thực trạng trên cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ngành hàng và làm thay đổi mô hình tăng trưởng. Như việc chuyển đổi từ sản xuất thô sơ (cung cấp nguyên liệu) sang chế biến sâu (thông qua các mặt hàng giá trị gia tăng) là một minh chứng cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Với tầm quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, đã đến lúc ngành quản lý và các địa phương cần xây dựng một kế hoạch mang tính chiến lược để phát huy có hiệu quả nguồn lực quan trọng này.

NGỌC TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.