Cơ sở may gia công: Góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thứ Tư, 18/04/2018 | 16:42

Trước đây, vì cuộc sống khó khăn nên rất nhiều phụ nữ xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) phải rời quê kiếm sống. Những năm gần đây, nhờ may gia công, hàng trăm chị em trong xã đã có công ăn việc làm tại nhà với thu nhập ổn định.

Lao động nữ làm việc tại xưởng may gia công của anh Dương Quốc Sử. Ảnh: C.L

Xuất thân là công nhân may, nhiều năm làm việc ở các xưởng may trong và ngoài tỉnh, nhưng anh Dương Quốc Sử vẫn không thoát khỏi cảnh nhà thuê, chi tiêu chật vật. Thấy cuộc sống quá vất vả, nên năm 2017 anh Sử trở về quê (ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) để tìm kế sinh nhai. Có một ít vốn và được sự động viên, ủng hộ của gia đình, anh Sử đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở cơ sở may gia công để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xã và các địa bàn lân cận.

Hiện nay, cơ sở may của anh Sử có hơn 30 lao động nữ với thu nhập khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/lao động/tháng. Anh Sử chia sẻ: “Để hoàn thành sản phẩm may mặc phải trải qua nhiều công đoạn, như: cắt vải, ráp, vắt sổ, may... nên cần rất nhiều lao động. Người làm nhiều thì hưởng nhiều nên các chị rất chịu khó học hỏi và hăng hái làm việc”.

Mỗi tháng, cơ sở may gia công của anh Sử nhận trung bình 1 - 3 đơn hàng với số lượng lớn quần áo. Vào những đợt cao điểm như lễ tết, đơn hàng đặt nhiều thì anh Sử cho tăng ca hoặc huy động thêm thợ may tại địa phương. Nhờ vậy, thu nhập của lao động nữ tăng lên đáng kể.

Chị Phạm Thị Sanh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) - công nhân may, bày tỏ: “Chỉ hơn 1 tháng vừa học vừa làm, tôi đã thành thạo các kỹ thuật may, ráp. Lúc đầu học việc thì lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, nhưng khi lành nghề thì gần 4 triệu đồng/tháng”.

Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, cơ sở may gia công của anh Sử cũng tạo động lực cho nhiều lao động nữ xa nhà trở về quê sinh sống. Như trường hợp của chị Lê Thị Muôn (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) - từng là công nhân may ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chị Muôn cho biết: “Lương công nhân may ở các công ty, xưởng may lớn chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian làm việc lại rất nghiêm ngặt. Vì vậy, tôi về quê xin vào các xưởng may gia công để làm việc. Nhờ có tay nghề lâu năm nên lương của tôi trên 4 triệu đồng/tháng”. Làm việc gần nhà, thu nhập ổn định giúp chị Muôn trang trải cuộc sống; đồng thời có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để chăm sóc con cái và trồng rau, nuôi gà. Sau bao năm bôn ba, giờ chị đã có cuộc sống ổn định nơi “chôn rau cắt rốn”.

Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông bất ly hương” là cách làm hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, các cơ sở may gia công đã góp phần giúp nhiều phụ nữ có đời sống ổn định mà không phải xa quê.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.