“Cò” lúa hoành hành nông thôn

Thứ Tư, 04/09/2019 | 16:52

Không phải một nắng hai sương, lội đồng nhổ cỏ, tát nước, be bờ… nhưng cánh “cò” lúa vẫn “sống khỏe” trên sự lao động vất vả của người nông dân. Tại nhiều vùng trồng lúa trong tỉnh, thương lái muốn mua lúa, chủ máy muốn đưa máy gặt đập lúa vào hoạt động đều phải thông qua “cò” lúa. Nếu không sẽ khó làm ăn yên ổn.

Thương lái thu mua lúa của nông dân TX. Giá Rai (ảnh trên) và huyện Phước Long. Ảnh: C.L

Vào vai một thương lái thu mua lúa vụ hè thu 2019, tôi được “cò” lúa tên C. (ở huyện Phước Long) hướng dẫn rất nhiệt tình. Sau một lúc trò chuyện, “cò” lúa C. cho biết: “Cánh đồng lúa nào cũng có "chủ" quản lý hết. Bây giờ anh muốn “nhảy” vô làm ăn thì phải mua lúa với giá cao hơn mới có người chịu bán. Nếu anh mua với giá cao hơn 100 - 200 đồng/kg so với giá lúa hiện nay thì tôi đảm bảo anh muốn mua mấy ghe cũng có”. Cánh đồng lúa mà “cò” lúa C. đang đề cập phần lớn bà con đã ký kết làm ăn với một hợp tác xã nông nghiệp huyện Hòa Bình.

Chỉ cần thương lái chi 20 - 50 đồng/kg lúa cho "cò" thì bảo đảm ghe tới nơi là đủ số lượng lúa thu mua, giá cả được biết trước; còn chủ máy gặt đập lúa chi cho “cò” 20.000 đồng một công là không cần phải lo. Và tất nhiên, thương lái, chủ máy cắt lúa không dại gì mà bỏ tiền túi để trả cho “cò” lúa, mà nó được tính (trừ) vào giá mua lúa của nông dân. Lợi nhuận ít ỏi từ hạt lúa của nông dân tiếp tục bị qua tay, phân chia nhiều người.

Mặc dù biết là bị thiệt, nhưng do không còn cách nào khác nên nông dân vẫn thông qua “cò” để bán lúa. Vào thời điểm lúa sắp thu hoạch, “cò” lúa đứng ra làm trung gian thu mua. Nhóm “cò” này trực tiếp gặp nông dân với danh nghĩa được giao làm đầu mối cắt lúa hoặc thu mua lúa, sau đó xem ruộng và đưa ra giá. Nếu chủ ruộng đồng ý, họ đặt tiền cọc và khi lúa chín sẽ cho máy gặt vào thu hoạch. Những thỏa thuận này đều chỉ là nói miệng, không có giấy tờ hay hợp đồng ràng buộc. Bởi vậy, khi có sự cố xảy ra như lúa bị đổ ngã, giá sụt giảm thì các “cò” này gây khó dễ hoặc ép giá lúa xuống thấp. Còn không thì “cò” cũng bặt tăm vì khoản tiền đặt cọc cũng chẳng là bao.

Ông P.V.N (xã Hưng Phú, huyện Phước Long) bày tỏ: “Nông dân mình lao động vất vả để làm ra hạt lúa, nhưng đến khi bán phải cậy nhờ “cò” lúa. Hình thức mua bán này không có lợi cho người dân. Bởi “cò” lúa, thương lái và chủ máy gặt đập là cùng một phe, họ ép người dân phải bán lúa với mức giá có lợi cho họ”.

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Minh Đương (sinh năm 1990, ngụ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) và bắt tạm giam đối với Trần Quang Nghiêm (sinh năm 1993, ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức “cò” lúa. Qua đó cho thấy, hoạt động “cò” lúa ở những vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình): “Giờ đây, “cò” lúa gần như “quản lý” mọi cánh đồng. Mình mà vào đó làm ăn không chịu “chiết khấu” phần trăm cho họ (20 - 50 đồng/kg lúa) là họ tìm cách để bà con nông dân “bẻ kèo” không bán lúa cho mình (mặc dù đã có thỏa thuận từ trước). Mong cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương sớm xử lý dứt điểm tình trạng này”.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.