Chị Nguyễn Kim Hon và đoạn trường 22 năm lưu lạc

Thứ Hai, 08/07/2019 | 16:15

Con đường bê-tông trong xóm đón bước chân người con trở về sau hơn 22 năm lưu lạc nơi đất khách quê người ở Trung Quốc với 6 lần bị mua đi bán lại. Đi bên cạnh người thân, chị Nguyễn Kim Hon trò chuyện thoải mái, đôi lúc còn cười rất tươi. Chị dự cảm rằng cuộc đời mới của chị sống bên mẹ và gia đình sẽ diễn ra yên vui, tốt đẹp, đẩy lùi những đoạn trường, ám ảnh, khổ đau vào tận sâu quá khứ.

Chị Nguyễn Kim Hon (thứ hai, từ trái qua) trong ngày đầu trở về nhà với vẻ mặt thất thần, lo sợ. Ảnh: Hương Giang

Chị Nguyễn Kim Hon (người thứ ba từ trái qua) trò chuyện vui vẻ với người nhà, hàng xóm và lãnh đạo xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) sáng 6/7/2019.

Chị Nguyễn Kim Hon viết tên người trong nhà bằng tiếng Việt. Ảnh: N.Q

Sáng thứ Bảy (6/7/2019), gia đình chị Nguyễn Kim Hon làm 2 con heo cúng, ăn mừng chị Hon trở về sau hơn 20 năm trôi dạt ở Trung Quốc. Một con thì đem cúng ngoài miếu, con còn lại thì cúng trong nhà và mời hàng xóm, lãnh đạo xã và Ban dân chính ấp lại ăn “chén cơm đoàn tụ”.

Sáng đó, tôi từ Bạc Liêu chạy xuống cầu Ngọc Thanh ở xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình) để đi với anh Lĩnh xuống dự tiệc mừng nhà bà Hến (mẹ chị Hon). Anh Lĩnh là người được mời, đồng ý “bè” tôi theo để tôi có cơ hội gặp trực tiếp chị Hon.

Hôm chị Hon từ Lạng Sơn về nhà, tôi có xuống, và cũng như cả chục nhà báo khác, chẳng một ai tiếp xúc được với chị. Tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân và gia đình chị nên tôi rút lui. Nay biết tinh thần chị đã ổn định, nên tôi tìm cách quay lại.

Bà Hến kêu người nhà để bộ bàn bên hè nhà, dưới tán me để mọi người ngồi nói chuyện.

Chị Hon đi từ nhà người chị thứ chín, phía đầu xóm tới, ánh mắt chị nhìn chung quanh như tìm lại hình ảnh thân quen thuở nào. Con đường xi-măng dẫn vào xóm chạy cặp con kênh dẫn nước nuôi tôm, bên phía lộ là nhà mẹ và nhà anh chị của Hon đều là nhà tường, một hình ảnh rất lạ với chị. Còn bên kia con kênh có căn nhà lá dừa nước của hàng xóm, giống như bao căn nhà trong xóm này thời điểm chị xa quê đi làm thuê 22 năm trước. Rảo bước trong bộ đầm màu đen, mái tóc nhuộm vàng uốn xoăn, đôi lúc chị Hon lại quay sang nói gì đó với người chị thứ chín, rồi cả hai cùng cười. Nhìn cảnh đó, ai cũng mừng bởi mới hai hôm trước, tinh thần chị Hon còn hoảng loạn, gặp người lạ là dè chừng, vẻ sợ sệt.

Quanh chiếc bàn có chị Hon ngồi, chòm xóm và người thân đến chơi mỗi lúc mỗi đông. Có người quen đến lần thứ ba kể từ hôm hay tin chị về, giờ mới gặp mặt nhau. Chị dần nhớ tên một vài người, “Sáu Thi”, “anh Ba”… chị nói từng tiếng một. Người nhà kể tối qua ngủ nhà chị thứ chín, hai chị em tâm sự đến 12 giờ khuya chị Hon mới chịu đi ngủ. Bữa cơm chiều, gia đình ăn cơm có món ba khía muối, chị thứ chín cầm tô thức ăn này hỏi Hon: “Con gì đây?”. Đưa tay day trán một thoáng, chị Hon gật đầu, gọi đúng tên món ăn dân dã, từng quen thuộc với chị hơn 20 năm về trước. Chan nước ba khía lên chén cơm trắng, chị ăn ngon lành, còn người thân đôi mắt đỏ hoe, ngân ngấn nước mắt. Cơm nước xong, cả nhà hát karaoke, người phụ nữ lưu lạc từng nhiều năm không nói tiếng mẹ đẻ, giờ đây nhịp chân theo điệu nhạc bài Áo mới Cà Mau và hát theo từng chữ, không hết bài.

Câu chuyện lưu lạc nơi đất khách của người con gái tuổi đôi mươi ở vùng bãi ngang ven biển này tiếp tục được tái hiện qua lời kể của nạn nhân, người thân và xóm giềng. Lấy chồng được 3 tháng, nhận ra người chung chăn gối không bình thường về giới tính, Hon khi ấy 18 tuổi, “dáng nhon lắm, đẹp nhất xóm”, liền bỏ về nhà cha mẹ ruột.

Sau cơn bão số 5 năm 1997, chị Hon lên Cần Thơ làm thuê. Thời ấy, quê chị đang bước đầu làm quen với việc nuôi tôm, gia đình chị và bà con sống trong những căn nhà lá, đi trên con đường nhão bùn vào mùa mưa. Chị gửi 2 tháng tiền công về nhà, rồi sau đó không ai biết tin gì về chị nữa, gia đình chẳng biết đâu mà tìm. Mòn mỏi chờ tin con gần 4 năm mà vẫn bặt vô âm tín, cha mẹ chị đành lên xã làm giấy khai tử và lấy ngày chị đi làm ăn xa là ngày giỗ của chị. Người tóc bạc khóc kẻ đầu xanh trong vô vọng.

Theo lời kể của chính chị Hon, chị bị người ta lừa uống nước có thuốc mê, rồi đem sang Trung Quốc, biến thành món hàng, bán 6 lần. Tội ác của bọn buôn người còn để dấu trên cơ thể nạn nhân. Kéo nhẹ chiếc đầm đen, chị cho tôi xem vết sẹo dài gần mắt cá chân trái do bọn chúng lấy dao chặt khi chị không chịu nghe lời. Hai đầu gối của chị chai sần vì những lần bị hành hạ. Sợ quá, chị giả câm 3 năm, thường ngồi bó gối trong bóng tối, quên luôn tiếng mẹ đẻ. Vô tình một lần nghe từ “ăn cơm” trên phương tiện truyền thông, chị dần nhớ lại tiếng Việt, lấy giấy viết ghi tên người thân và quê quán. Từ manh mối đó, Công an tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã liên hệ với Công an tỉnh Lạng Sơn để đưa chị về nước. Đặt chân về lại đất mẹ, chị mới dám uống nước, ăn cơm trở lại, dù có lúc suốt 2 ngày chị không có hột cơm nào trong bụng, đói quá thì nhắm nghiền mắt lại.

Biền biệt tin tức 22 năm, bỗng có người liên lạc, nói với người nhà rằng chị còn sống, đã được đưa về nước an toàn. Anh Lĩnh, cán bộ văn hóa xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) - người từng công tác ở tỉnh Lạng Sơn, thuật lại: “Thiếu tá Đức, an ninh tỉnh Lạng Sơn gọi cho tôi, nhờ xác minh ở địa phương có người nào tên Nguyễn Kim Hon, cha là Nguyễn Kim Tống, mẹ là Nguyễn Thị Hến không. Qua tra cứu trên máy tính, tôi nói có, nhưng cha là Nguyễn Kim Tòng, chứ không phải Tống”. Sự việc được xác nhận, anh Lĩnh gọi xuống ấp Bửu Đông: “Nói bà Hến sáng mai lên gặp Lĩnh “Bắc kỳ” để làm thủ tục nhận lại con”. Cái đêm cuối tháng 6/2019 vừa qua, có lẽ là đêm trắng, đêm rất dài của bà Hến và người nhà. Do đã 83 tuổi, bà Hến ủy quyền cho người con trai thứ năm là Nguyễn Kim Tãng ra tỉnh Lạng Sơn đón em gái út.

Câu chuyện kỳ diệu về chị Hon khiến nhiều người hiếu kỳ, người dân ở chợ Kinh Tư còn định lấy đá chặn ô tô chở chị lại để được nhìn thấy người mất tích đã trở về. Vừa gặp lại mẹ, chị ngất xỉu, còn bà Hến nước mắt tuôn trào. Cả nhà giờ đã đoàn viên, chỉ riêng người cha mãi mãi không còn gặp lại người con gái út!

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.