Chênh vênh xóm ngụ cư

Thứ Ba, 21/05/2019 | 07:58

Giữa nhịp sống ồn ào, hối hả, có những xóm ngụ cư với mỗi xóm vài chục nóc gia nằm lọt thỏm trong cánh rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu, tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài. Là những người di cư tự do, họ tập trung lại thành xóm, sống lay lắt qua ngày dưới những tán rừng, những bãi bồi ven biển để mò cua, bắt ốc mưu sinh. Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, trẻ con sinh ra không giấy khai sinh, không được đến trường, phải sớm lao động phụ giúp gia đình. Họ mong được Nhà nước quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để được làm các giấy tờ tùy thân, sớm an cư lạc nghiệp, con cháu có thể học hành, khép lại cuộc sống tăm tối…

>> Bài 2: Tuổi thơ bị "đánh cắp"

Bài cuối: Mở hướng đi cho dân ngụ cư

Trước những khó khăn, thiếu thốn của người dân các xóm ngụ cư, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng kéo điện, khoan giếng nước, tổ chức khám chữa bệnh, làm giấy khai sinh, cấp sổ hộ nghèo, giới thiệu việc làm, tặng gạo, nhu yếu phẩm… Dù đã có nhiều động thái hỗ trợ, góp phần nâng cao dân trí cũng như đời sống cho dân ngụ cư, thế nhưng, do thiếu ý thức cộng với lối sống lạc hậu, cuộc sống bấp bênh, thu nhập không ổn định nên các thế hệ nối tiếp nhau vẫn luẩn quẩn trong cái vòng đói nghèo - thất học - tảo hôn.

Cư dân Mương Hai (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) chọn quần áo do các tổ chức từ thiện tặng.

Nỗ lực chăm lo cho dân ngụ cư

Do người dân ngụ cư sống chủ yếu tập trung ven biển, trong rừng nên ngoài chuyện nghèo đói, lạc hậu còn đối diện với thiên tai, nước biển dâng đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của họ. Trước tình hình trên, thời gian qua, tỉnh đã có chủ trương di dời cư dân sống trong rừng phòng hộ đến khu tái định cư mới. Bên cạnh việc xây dựng, chăm lo nhà ở, các khu tái định cư còn được đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm: điện, đường, trường học, y tế... Ngoài ra, còn được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay vốn phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Còn ở các địa phương có dân ngụ cư sinh sống, ngoài chính sách chung của Trung ương, của tỉnh, chính quyền sở tại cũng có nhiều động thái hỗ trợ. Ông Hứa Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), cho biết: “Vĩnh Thịnh hiện có 84 hộ nghèo sống trên đất rừng phòng hộ, nhiều khu vực đã hình thành các xóm ngụ cư sống biệt lập với bên ngoài. Do cư trú bất hợp pháp nên chính quyền địa phương không thể giúp họ làm sổ hộ khẩu, hỗ trợ nhà ở cũng như được hưởng các chế độ dành cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền chỉ có thể giúp họ trong giới hạn cho phép như: cấp sổ hộ nghèo, làm giấy khai sinh, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, kéo điện, khoan giếng nước...”.

Là một trong những địa phương có dân tứ xứ đổ về “cắm trụ” rất đông, chính quyền phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) cũng đang nỗ lực tạo điều kiện cho họ được làm sổ tạm trú, sổ hộ nghèo, tặng thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn… Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức từ thiện - xã hội để hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm. Đối với trẻ em, tổ chức làm giấy khai sinh, tặng cặp, sách, xe đạp, tạo điều kiện để các em được đến trường, đi học như bao đứa trẻ khác; nhiều em đã biết viết được tên mình. Các hội, đoàn thể còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho các em nhỏ, nhất là trẻ em gái như: tuyên truyền kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, bị xâm hại tình dục; tổ chức vui chơi, tặng quà nhân các dịp lễ, tết.

Từ sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều trẻ em ở Mương Bảy (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) đã được đến trường. Ảnh: T.Q

Để tương lai không còn vô định…

Từ các giải pháp hỗ trợ quyết liệt trên đã góp phần nâng cao đời sống, dân trí cho người dân ở các xóm ngụ cư. Tuy nhiên, do đa phần là dân di cư sống tự do, gắn bó với nghề biển nên cũng gây nhiều khó khăn cho địa phương trong việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho họ bằng biện pháp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn... để họ có nghề nghiệp, thu nhập ổn định hơn. Thế nhưng, chỉ có một số ít hộ chịu chuyển nghề, còn lại đa phần là chấp nhận cuộc sống rủi may nhờ nguồn lợi từ biển, luẩn quẩn trong đói nghèo. Đó là chưa kể đến một số hộ ý thức kém, còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền, không chịu khó lao động, lười nhác, sa chân vào cờ bạc, rượu chè... khiến cuộc sống của họ nhuốm màu đen tối, bế tắc.

Người lớn đã vậy, thì trẻ con cũng thế. Từ khi còn bé, các em đã theo cha mẹ mưu sinh, nên rất khó để vận động các em đến trường đi học. Mặt khác, do trường học cách khá xa nơi ở, trong khi cha mẹ phải lo bươn chải kiếm sống, không có điều kiện đưa đón, do đó con đường đến trường của các em càng cách trở, xa xôi hơn. Vì không được học hành,  không tiếp cận được sự tiến bộ của xã hội bên ngoài, suốt ngày quẩn quanh bên tán rừng, lớn lên theo từng con sóng nước nên không những nhận thức kém mà những đứa trẻ ở các xóm ngụ cư còn có một tương lai vô định. Do tự lập từ sớm nên những đứa trẻ ở các xóm ngụ cư hầu hết đều già dặn hơn tuổi, chúng nhìn anh chị mình và… học theo, lớp này đến lớp khác, không thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo - thất học - tảo hôn.

Ngày ngày, người dân trong các xóm ngụ cư vẫn tiếp tục len lỏi đến từng vạt rừng để kiếm sống, tuy nhiên đối diện với họ là một tương lai vô định. Tất thảy người dân ở các xóm này đều có mơ ước được thoát khỏi cảnh nghèo, nhưng ai cũng hiểu mơ ước đó xa vời lắm... Để có thể thoát được cảnh nghèo khó, hơn ai hết, chính bản thân người dân ngụ cư phải có ý thức, nghị lực, biết tiếp thu nếp sống mới để tự giải cứu bản thân và đưa con cháu bước ra khỏi đói nghèo, lạc hậu. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có nhiều giải pháp hay, sâu sát hơn nữa trong việc chăm lo cho dân ngụ cư như: Làm nhịp cầu vững chắc đề xuất với Trung ương, với tỉnh các mô hình sinh kế hay gắn liền với đời sống của  dân ngụ cư; hỗ trợ vốn, tạo việc làm gắn với nghề biển...; đồng thời cũng cần xử lý mạnh tay đối với các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật, tự ý đến cư trú bất hợp pháp, sinh con đông, tham gia tệ nạn xã hội...

Minh Luân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.