Bấp bênh xóm biển

Thứ Sáu, 17/08/2018 | 16:37

Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, cuộc sống của những người dân xóm biển hoàn toàn phụ thuộc vào con nước thủy triều. Gần như không ai biết được tương lai của mình sẽ đi về đâu…

 Xóm nhà của người dân sống ven biển (ấp 14, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình).

Trẻ em xóm biển trở về nhà sau một buổi lặn lội tìm bắt nghêu, ốc ở  bãi bồi ven biển. Ảnh: C.L

Gần 300 hộ dân sinh sống, trú ngụ tại cửa biển ấp 14 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) đang hàng ngày chống chọi với sóng biển, triều cường, nước biển dâng và sạt lở. Theo người dân nơi đây, hộ nào ít nhất thì cũng phải vài lần dời nhà vì sóng gió, nhất là sạt lở.

Gia đình anh Nguyễn Minh Bình (ấp 14), hộ thuộc diện di cư tự do, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định. Cũng như người dân nơi đây, nguồn thu nhập chính của gia đình anh đều trông chờ vào những chuyến đi biển. Kiếm cái ăn đã khó, nói gì đến chuyện mua đất, cất nhà. Anh Bình bày tỏ: “Mấy năm nay, nước biển dâng cao quá! Tôi cũng có ý định chuyển vào trong đê sinh sống nhưng không biết lấy tiền đâu để cất nhà!”. Khu vực ấp 14 có 60 - 70 hộ đang đánh liều bám trụ, nếu đất bị sạt lở thì họ dời nhà lùi vào trong một chút, và giờ nhà đã tới chân đê, giáp rừng phòng hộ.

Xóm biển là khu vực có nhiều người di dân từ nơi khác đến nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Tình trạng gây rối, đánh nhau, thậm chí chặn  người đi đường để xin “đểu” cũng thường xuyên diễn ra. Một người dân cho biết, những hôm biển động không đi làm, nhiều thanh niên địa phương và cả những người lạ mặt từ nơi khác đến tụ tập nhậu nhẹt, ca hát xong thì cãi vã rồi lao vào đánh nhau. Có mấy lần, buổi tối chúng rủ nhau lên đê bày tiệc nhậu, ai đi ngang chúng đều gọi lại xin “đểu”.

Số liệu khảo sát, thống kê của UBND xã Vĩnh Hậu (năm 2013) ghi nhận, trên địa bàn xã có 274 hộ với 1.168 khẩu sống ở khu vực ven biển, ngoài đê phòng hộ. Hầu hết họ không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, nhiều trường hợp không có giấy chứng minh nhân dân nên rất khó quản lý. Theo ông Huỳnh Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu: “Các đối tượng gây rối phần lớn là từ nơi khác đến. Chúng lợi dụng việc di trú để gây rối rồi bỏ đi bặt tăm, rất khó kiểm soát. UBND xã đang điều tra, rà soát nắm lại số lượng người dân địa phương; đồng thời yêu cầu phải thực hiện trình báo tạm trú, tạm vắng để bà con vùng ven biển yên tâm lao động, sản xuất”.

Không chỉ các xóm biển, ở rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu cũng có nhiều xóm nghèo, người dân sống tạm bợ. Những xóm nghèo này nằm heo hút và gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhiều trẻ em phải bỏ học từ khá sớm, một phần vì gia đình nghèo, phần là do học lực kém vì không có người hỗ trợ, hướng dẫn. Ông Sơn Bồi (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Học hành cái nỗi gì! Cơm ăn hàng ngày còn không có, lấy đâu ra tiền mua tập vở, quần áo! Hai thằng con lớn của tôi chỉ đi học được vài ngày là phải bỏ học về phụ tôi đi biển kiếm sống!”.

Vào mùa mưa bão, các xóm biển phải đối mặt với nhiều khó khăn, tính mạng và tài sản của bà con bị đe dọa bởi triều cường, nước biển dâng, sạt lở đất... Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có phương án hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn, giúp họ ổn định cuộc sống.

KHÔI NGUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.