Bám trụ với nghề truyền thống

Thứ Sáu, 13/12/2019 | 17:33

Bạc Liêu là địa phương có nhiều nghề truyền thống như: nghề mộc, rèn, dệt chiếu, đan đát, làm bánh tráng, bánh phồng, tôm khô… Trải qua bao thăng trầm, trước sức ép của thị trường với những sản phẩm công nghiệp hiện đại, nhiều sản phẩm truyền thống không đủ sức cạnh tranh và dần mai một. Song, bằng sự đam mê và tâm huyết, vẫn còn nhiều người gắn bó, lặng lẽ bám trụ với nghề truyền thống.

Ông Trần Văn Tân rèn đập thép, tạo hình cho dao.

Ngày nay, thị trường nông cụ với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm được gia công bằng máy móc và các sản phẩm nhập khẩu, song không ít hậu nhân nghề rèn ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) vẫn luôn “một lòng một dạ” với nghề. Các lò rèn luôn đỏ lửa, tiếng búa đập cũng vẫn ngày đêm vang vọng, mang đến cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm nông cụ chất lượng.

Cô Tăng Thị Đém chế biến nước mắm từ con ruốc. Ảnh: T.Q

Là người có thâm niên trong nghề hơn 40 năm, ông Trần Văn Tân (51 tuổi, ngụ ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa) luôn tìm mọi cách duy trì nghề rèn truyền thống. Ông Tân chia sẻ: “Nghề rèn đòi hỏi sự tỉ mỉ và rất kỳ công. Bên cạnh yếu tố sức khỏe dẻo dai, người thợ phải có tính kiên nhẫn. Thời đó, nhiều người trong xóm theo học nghề rèn nhưng ít ai trụ được, bởi nghề rèn quá nặng nhọc, vất vả, thu nhập lại không cao. Đôi khi tôi cũng định bỏ nghề, nhưng chỉ bỏ được một vài ngày là nhớ nghề quay quắt, vì vậy phải làm lại”.

Với hơn 3 đời làm nghề rèn, cùng nguyên tắc “tôn trọng chữ tín”, lò rèn ông Tân luôn có người đến đặt hàng. Vào những ngày cận tết, lò rèn nhà ông luôn đỏ lửa, làm cả ngày lẫn đêm mới đủ sản phẩm cung ứng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống với nghề làm nước mắm, nên khi lớn lên, dù đi đâu, cô Tăng Thị Đém (59 tuổi, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) vẫn nhớ về hương vị và những khạp nước mắm trong nhà. Sau này, con cháu đều lo toan với nghề nghiệp khác nên không ai theo nghề của ông bà, cô Đém cũng làm việc trong cơ quan nhà nước nên không có thời gian kế nghiệp. Thế nhưng, cô vẫn luôn ấp ủ khi có cơ hội sẽ khôi phục lại nghề của cha ông.

Cô Đém nhớ lại: “Nước mắm trên thị trường ngày càng đa dạng và phong phú. Song, tìm được nước mắm có hương vị truyền thống rất khó. Năm 2016, tôi mua nguyên liệu (cá biển và con ruốc) về làm nước mắm nhỉ. Sau 1 năm, hoàn thành mẻ nước mắm đầu tiên tôi đem tặng bạn bè dùng thử để góp ý. Sau nhiều lần điều chỉnh (tẩm ướp, pha chế), những mẻ nước mắm về sau được nhiều người khen ngon”.

Để có được nước mắm thơm ngon, đúng vị, bảo đảm vệ sinh, cô Đém phải thực hiện rất nhiều công đoạn, tuân thủ nghiêm ngặt việc chọn nguyên liệu và quy cách chế biến. Hiện nay, nước mắm nhỉ của cô được khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng. Năm 2018, cô Đém đăng ký nhãn hiệu nước mắm của gia đình với cái tên Bích Ngọc để thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Bình quân mỗi tháng cô bán trên 200 lít nước mắm. Để phục vụ thị trường Tết Canh Tý 2020, cô Đém dự trữ thêm trên 500 lít nước mắm, nhưng theo cô, với số lượng đặt hàng nhiều như hiện nay thì sẽ không đủ cung ứng.

Bạc Liêu vẫn còn nhiều nghề truyền thống được hậu nhân kế thừa như: nghề làm nước tương, xì dầu, bánh in, bánh khéo, bánh tằm, khô cá, tôm khô… Những nghề này tồn tại đã lâu, truyền qua nhiều thế hệ, và đến nay vẫn tiếp tục phát triển. 

Dù đối diện với muôn vàn khó khăn, song với lòng yêu nghề, gắn bó với nghề nên những người như chú Tân, cô Đém đã góp công vực dậy nghề truyền thống, giúp sản phẩm đặc trưng của quê hương có chỗ đứng, vị thế riêng. Qua đó mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, mang đậm nét văn hóa địa phương.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.