Doanh Nghiệp - Doanh nhân

Ứng phó với đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp năng động vượt khó

Thứ Hai, 07/06/2021 | 15:47

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhiều lĩnh vực phải tạm ngưng hoạt động và tác động sâu sắc đến thu nhập, đời sống của nhiều lao động. Do vậy, việc có ngay các giải pháp hỗ trợ không chỉ là nhu cầu bức thiết, mà còn là điều kiện cần để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ ở Khu du lịch Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) phải tạm ngừng hoạt động vì vắng khách.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Có một điều đáng ghi nhận là để ứng phó với những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, ngành hàng và xây dựng nên các mô hình kinh doanh theo hướng chủ động ứng phó. Đặc biệt là từng bước thiết lập và hình thành nên những mô hình thích ứng để “sống chung” với đại dịch.

Với sự năng động thay đổi này đã giúp doanh nghiệp giữ vững thị trường, doanh thu và đảm bảo cho hoạt động sản xuất - kinh doanh được duy trì, tiếp tục tăng trưởng khá. Chẳng hạn như trong chế biến thủy sản xuất khẩu - vốn được xem là lĩnh vực chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp đã tập trung cơ cấu lại ngành hàng, đẩy mạnh mở rộng thị trường truyền thống và khai thác thêm các thị trường tiềm năng nên hoạt động xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục giữ vững và tăng trưởng. Trong 5 tháng qua, thủy sản đông lạnh đạt trên 40.120 tấn và tăng 9,86% so với cùng kỳ. Qua đó, góp phần cho tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 280 triệu USD và tăng 9,42% so với cùng kỳ (trong đó tôm đông đạt 273,52 triệu USD).

Cùng với thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa cũng giữ vững tăng trưởng và đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong 5 tháng đầu năm nay đạt trên 24.486 tỷ đồng và tăng 14,55% so với cùng kỳ. Để có được sự tăng trưởng này, ngoài các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh luôn tung ra thị trường các chương trình khuyến mại hấp dẫn để duy trì và kích thích sức mua, nhiều doanh nghiệp còn tận dụng và khai thác các hình thức kinh doanh dựa trên mô hình thương mại điện tử, nhằm hạn chế khách hàng trực tiếp đến mua sắm hay tụ tập đông người gây khó cho công tác phòng chống dịch. Điển hình như Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, để phòng chống dịch bệnh, đơn vị này đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp bán hàng trong điều kiện ứng phó với dịch nhưng vẫn đảm bảo doanh số và phục vụ tốt cho tiêu dùng. Đó là ngoài thực hiện các chương trình khuyến mại cho từng ngày, siêu thị còn áp dụng giảm giá mạnh các sản phẩm thiết yếu, nhất là nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng, nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng trong mùa dịch. Các sản phẩm này được bố trí giảm giá luân phiên theo nhóm và trải đều trên các ngày trong tuần để khách thuận lợi mua sắm. Đặc biệt, Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu đã mở thêm phương thức bán hàng mới như bán hàng online với hình thức livestream giới thiệu sản phẩm, nhận đơn hàng qua điện thoại, nhận đặt hàng qua Zalo, giao hàng tận nhà với hóa đơn 200.000 đồng trong bán kính 6km.

Nhân viên Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu kiểm tra hàng giao tận nhà cho khách hàng thông qua mô hình bán hàng qua mạng.

CẦN SỰ HỖ TRỢ KỊP THỜI

Có thể nói, doanh nghiệp tuy đã chủ động ứng phó nhưng nhìn trên tổng thể thì tình hình sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Doanh thu tuy có tăng nhưng thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều rủi ro khó lường, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và khó dự báo bao giờ sẽ dừng. Đơn cử, Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu tuy đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nhưng lượng khách đến mua sắm 4 tháng đầu năm nay giảm hơn 3% so với cùng kỳ, doanh thu giảm 4%. Cụ thể, mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm 20%, thực phẩm công nghệ giảm 1,8%, hóa mỹ phẩm giảm 5,8%, đồ dùng gia dụng giảm 5,3%. Riêng từ tháng 5/2021 đến nay, khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng khắp các tỉnh, thành trong nước thì lượng khách giảm 21% và doanh số siêu thị giảm 31,69% so với trung bình 4 tháng đầu năm nay. Ông Huỳnh Thanh Điền, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, cho rằng: “Trước tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, siêu thị đề nghị tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ về giảm giá thuê đất, giảm nộp thuế. Đồng thời, hỗ trợ siêu thị máy đo thân nhiệt, dung dịch khử khuẩn và chỉ đạo, khuyến khích các cơ quan phối hợp với siêu thị bán và đưa hàng hóa vào các khu cách ly. Qua đó, góp phần giúp siêu thị giảm bớt khó khăn và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa”.

Theo ông Lê Chí Tôn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu thì đối tượng đáng quan tâm nhất hiện nay và cần có ngay các chính sách hỗ trợ là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch, vận tải và các cơ sở sản xuất - kinh doanh với quy mô hộ gia đình. Vì qua thống kê của Hiệp hội, doanh thu của các doanh nghiệp này chỉ còn khoảng 20%, thậm chí 0%, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch và vận tải. Theo đó, điều cần làm hiện nay là ngoài hỗ trợ các chính sách về thuế, cần quan tâm nhiều đến tín dụng trong việc thực hiện miễn giảm lãi suất, gia hạn thời gian thanh toán nợ, cơ cấu lại nợ, tiếp tục tái đầu tư vốn… Vì phần lớn các doanh nghiệp của tỉnh đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ và gần như 100% đều có giao dịch với ngân hàng. Quan trọng hơn cả là khi thực hiện các chính sách hỗ trợ phải nhanh, kịp thời và không bị “trói” bởi những cơ chế, chính sách, hoặc quy định khắt khe từ các định chế tài chính. Bởi thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, phần lớn doanh nghiệp của tỉnh chưa tiếp cận được. Những chính sách “nằm trên giấy” này đã làm mất lòng tin và thời gian của doanh nghiệp khi phải thực hiện hàng loạt các thủ tục khai báo nhưng chẳng nhận được một đồng hỗ trợ nào! Trong năm 2021 cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh và các hộ sản xuất - kinh doanh, người lao động mong muốn nhận được các chính sách hỗ trợ kịp thời và thật sự tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

LƯ TRUNG

Chế biến tôm tại Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Âu Vững (TX. Giá Rai). Ảnh: L.D

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, nhất là tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là tập trung thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển KT-XH. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm này đang bùng phát, lan rộng trên cả nước. Cần có phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Bên cạnh đó, rà soát lại từng nội dung nhiệm vụ, giải pháp của cơ quan, đơn vị mình phụ trách, để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho sản xuất - kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư phát triển; đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, sớm phục hồi và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Cùng với đó là tập trung kiểm tra và thực hiện các nội dung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh đã được các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn, phải đảm bảo đúng quy định, thẩm quyền và hài hòa với khả năng cân đối của ngân sách; báo cáo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền để khai thông nguồn lực cho sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy đầu tư; khắc phục triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; cơ quan, đơn vị, địa phương nào để xảy ra tình trạng này thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, thực hiện việc phải luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức xử lý thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.

Song song đó, căn cứ vào các hướng dẫn, xem xét lại các khoản đóng góp, ủng hộ của các doanh nghiệp trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, nếu được hạch toán vào chi phí hợp lý thì đưa vào khấu trừ khi tính thuế thu nhập cho doanh nghiệp, nếu không được thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung.

Các ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội như phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và thực hiện tốt Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa đấu tranh với tội phạm tín dụng đen để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, an ninh, an toàn cho các doanh nghiệp tin tưởng, an tâm sản xuất - kinh doanh.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; chủ động khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất - kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: phòng chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh an toàn, phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo giai đoạn. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng chống dịch COVID-19. Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp…

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh - Võ Đông Xuân: Chia khó cùng người nộp thuế

Từ đầu năm đến nay, do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế (NNT). Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đối với NNT, Nghị định số 52, ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 chính là cứu cánh giúp NNT sử dụng số tiền thuế lẽ ra phải nộp vào ngân sách nhà nước để tái đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Để chính sách thuế kịp thời đi vào cuộc sống, Cục Thuế tỉnh đã chủ động kết hợp với các cơ quan truyền thông (Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh) và Hiệp hội Doanh nghiệp tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung Nghị định số 52 đến tất cả NNT, đảm bảo mọi NNT đều được tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Đặc biệt, thông qua địa chỉ email của NNT, Cục Thuế tỉnh đã truyền tải đầy đủ, kịp thời các chính sách thuế đến NNT, giúp cho NNT nắm rõ hơn các chính sách được thụ hưởng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc thực hiện chính sách thuế.

Với tinh thần kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho NNT ổn định để phát triển sản xuất - kinh doanh, Cục Thuế tỉnh cam kết tiếp tục đồng hành, lắng nghe, chia sẻ cùng NNT và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để NNT hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.