DỊCH COVID-19

Đồng hành và chia sẻ cùng vượt qua đại dịch

Thứ Hai, 30/03/2020 | 16:01

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bước vào giai đoạn cao điểm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, người dân Bạc Liêu đã tích cực thực hiện chủ trương này và không ngừng phát huy tính cộng đồng “chung tay chống dịch”.

Các hộ tiểu thương và hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ đêm phường 3 (TP. Bạc Liêu) tạm nghỉ bán để phòng chống dịch.

THỊ TRƯỜNG ỔN ĐỊNH

Sau thông tin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phát ra ngày 28/3/2020 về việc tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở dịch vụ, thị trường mua bán hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong ngày 28/3 tăng khá mạnh và kéo dài cho đến ngày 29/3/2020. Sức mua tuy có tăng cao, nhưng không xảy ra tình trạng mua bán chen lấn, giành hàng. Phần đông tâm lý người mua hàng theo kiểu người ta mua thì mình cũng phải “mua cho có” và người dân toàn hoàn nhận thức được kéo nhau đi mua hàng, tụ tập đông người là trái với quy định về phòng chống dịch. Trong các loại hàng hóa được tiêu thụ mạnh, chủ yếu tập trung ở vài nhóm hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, đường, bột nêm…, còn các loại hàng hóa khác thì giá cả ổn định. Riêng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau - củ - quả, sức mua tuy có tăng nhưng giá cả không biến động, thậm chí một số loại bán với giá thấp nhưng tiêu thụ rất chậm như: cải xanh, bắp cải, su hào, rau cần…

Qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân khiến người dân mua nhiều thực phẩm trong những ngày qua là do tâm lý lo sợ các chợ truyền thống và siêu thị đóng cửa hoặc “sốt hàng”. Phải khẳng định rằng: Nhà nước đảm bảo phục vụ và cung cấp hàng hóa thiết yếu đủ cho người dân ngay cả khi phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng gạo, đã và đang chủ động về nguồn cung rất dồi dào. Hiện nay, cùng với chính sách không xuất khẩu gạo, khu vực ĐBSCL đã và đang trong giai đoạn thu hoạch vụ đông xuân, càng bổ sung thêm lượng lương thực rất dồi dào nên người dân không nên có tâm lý sợ giá gạo tăng cao hay thiếu gạo.

Về các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, ông Huỳnh Thanh Điền, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, khẳng định: “Hàng hóa của siêu thị rất phong phú và dồi dào, đủ và thừa cung cho nhu cầu của người tiêu dùng”. Hiện siêu thị đang tập trung đẩy mạnh các chương trình bán hàng thông qua hệ thống giao dịch điện tử và chuyển hàng đến tận nhà theo yêu cầu của khách hàng. Vì vậy, người dân không cần trực tiếp đến siêu thị mua hàng mà có thể giao dịch qua điện thoại số 02913.719999, hoặc Zalo số 0911863528.

Ngoài Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu, hệ thống siêu thị và các cửa hàng bách hóa, cửa hàng kinh doanh hàng công nghệ thực phẩm khác trên địa bàn tỉnh cũng cam kết đồng hành và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm. Ông Lại Minh Sơn, một đại lý kinh doanh hàng thực phẩm (phường 2, TP. Bạc Liêu) nói: “Trong mấy ngày qua, người dân mua gạo rất nhiều, một số doanh nghiệp cung cấp gạo đầu mối cho tôi cũng nâng giá lên từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, nhưng tôi kiên quyết không bán gạo giá cao mà giữa nguyên giá cũ. Trong thời buổi khó khăn chung, lãi ít một chút, thậm chí bán không có lãi cũng được vì đó là nghĩa đồng bào”.

Giá cả thị trường thực phẩm được kiểm soát tốt và ổn định (mua bán thực phẩm tại chợ phường 3, TP. Bạc Liêu).

CÙNG CHIA SẺ KHÓ KHĂN

Để chủ động phòng, chống dịch và góp phần khống chế không để lây lan dịch bệnh, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện và vận động các hộ kinh doanh, tiểu thương tạm dừng các hoạt động mua bán theo quy định.

Điều đáng ghi nhận và rất phấn khởi là tuy việc tạm ngưng hoạt động kinh doanh sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều gia đình, nhưng bà con tiểu thương, các hộ kinh doanh dịch vụ cam kết sẽ chấp hành tốt. Bà Nguyễn Thị Hạnh, một hộ mua bán thực phẩm tại khu vực chợ đêm (phường 3, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Thu nhập và sinh hoạt của gia đình tôi đều nhờ vào việc mua bán ở chợ này, nghỉ bán cũng đồng nghĩa với việc không tạo được chi phí lo cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, vì lợi ích chung của cộng đồng, chúng tôi sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn và mong sao hết dịch để sớm mua bán trở lại”.

Một hộ bán vé số nghèo ở phường 2 được tặng gạo (ảnh chụp từ Facebook). Ảnh: L.D

Việc tạm dừng mua bán không đơn giản là tạm nghỉ vài chục hay vài trăm hộ mà có tính dây chuyền, tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực khác. Như khu vực chợ đêm phường 3 tạm nghỉ bán sẽ kéo thêm việc làm, thu nhập và cung ứng dịch vụ từ nhiều doanh nghiệp cung cấp đầu mối khác cũng mất theo. Bà Lâm Ngọc Án, một hộ kinh doanh hàng nông sản chợ Cầu Xáng (phường 1, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Hơn một chục mối lấy hàng ở khu vực chợ đêm nghỉ bán, tôi cũng phải nghỉ bán theo và cắt hàng từ các nhà vườn. Tuy gặp khó khăn, nhưng tôi cảm thấy vui vì làm như vậy là an toàn và cần thiết”.

Cùng với các hộ mua bán, nhiều lao động nghèo cũng bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch lần này. Sức mua trên thị trường giảm, do người dân hạn chế đi lại và không tạo được thu nhập tăng thêm nên phải tiết kiệm trong chi tiêu.

Có một điều đáng trân trọng và cảm động là trong những ngày qua, có nhiều cá nhân đã tự mua gạo và chở tặng cho các hộ bán vé số và lao động nghèo. Số gạo và mì gói được tặng tuy không nhiều, nhưng cũng đủ làm ấm lòng những lao động nghèo và tạo nên sức lan tỏa yêu thương của cả một cộng đồng cùng chung tay chống dịch. Sự yêu thương ấy sẽ là sức mạnh để tất cả mọi người cùng đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm, ý thức cộng đồng cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.