Cùng bàn luận

​FDI - ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG VÀ TÁI CƠ CẤU KINH TẾ VIỆT NAM

Thứ Tư, 08/11/2017 | 15:22

Thời gian qua, nhiều ý kiến lo lắng rằng nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, hay còn gọi là bị “FDI hóa”. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nhìn nhận một cách khách quan.

Vốn đầu tư nước ngoài tăng đều trong những năm gần đây. Khu vực DN FDI ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (53,8%), tiếp theo là dịch vụ bất động sản (20,9%), còn lại các ngành khác có tỷ trọng dưới 5%. Khu vực FDI chiếm khoảng 25% trong tổng đầu tư xã hội, tạo ra hơn 3,2 triệu việc làm, đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 63 tỉnh, thành phố, đứng đầu là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đặc biệt, khu vực FDI không chỉ góp phần cải thiện động lực tăng trưởng và mở rộng thị trường, mà còn là động lực mạnh mẽ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế và đảo chiều cán cân thương mại hàng hóa quốc tế, chuyển Việt Nam từ nhập siêu sang xuất siêu. Với sự đóng góp của khu vực FDI, từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất của thế giới một số hàng công nghiệp công nghệ cao. Việt Nam ngày càng được nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới lựa chọn để thực hiện chiến lược toàn cầu về đầu tư và thương mại.

Thành công của Việt Nam trong thu hút FDI có được nhờ sự ổn định chính trị, chi phí lao động thấp và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn và ưu đãi hơn đối với nhà đầu tư. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng, tiếp cận công nghệ, vừa tạo việc làm, vừa nâng cao chất lượng lao động. Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua chuyển dần từ lĩnh vực khai khoáng sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao có đóng góp chủ lực của DN FDI.

Như thế, thu hút được nhiều vốn FDI rõ ràng là cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, tận dụng cơ hội đó đến đâu để tạo ra chuyển hóa về chất của nền kinh tế thì lại nằm ở chúng ta. Cần phải chú ý đến việc tạo lập và phát triển các chuỗi liên kết giữa DN FDI và DN trong nước; tăng thu hút các nhà đầu tư từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, các dự án có công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp và các ngành có hàm lượng chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng lớn, kể cả kinh tế biển; phát huy được lợi thế của từng vùng, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; hạn chế các dự án đầu tư làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác khoáng sản không gắn với chế biến; xử lý nghiêm các DN gây ô nhiễm môi trường và chuyển giá, trốn thuế, vi phạm Luật Lao động.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.