Cùng bàn luận

Xu hướng thích... chỉ trích

Thứ Sáu, 11/01/2019 | 14:35

Ngày nay, với sự phát triển mọi mặt của xã hội, đặc biệt là trong đời sống văn hóa tinh thần cùng sự trợ thủ đắc lực của mạng xã hội, nhiều xu hướng ra đời và được cổ xúy bất chấp những mặt hạn chế, tiêu cực của nó. Một trong những xu hướng đó là việc… thích chỉ trích!

Tham gia xu hướng này có tất cả các đối tượng ở các tầng lớp xã hội, từ giới trẻ đến người già, từ tầng lớp trí thức đến công nhân lao động! Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan công quyền cũng đang chạy theo xu hướng này, bất chấp những ảnh hưởng của nó đến sự phát triển chung của đất nước. “Mảnh đất” màu mỡ để “gieo trồng” và phát triển xu hướng này là mạng xã hội hoặc các quán cà phê…, nói chung không phải là những diễn đàn chính thống! Xu hướng được biểu hiện bằng việc chỉ trích mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mọi hoạt động xã hội. Đơn cử, với một lĩnh vực công tác còn nhiều mặt hạn chế, những người chỉ trích sẽ mỉa mai về sự bất cập, yếu kém. Nhưng khi ngành chức năng đưa ra giải pháp để khắc phục thì họ lại cho rằng những giải pháp này không có tác dụng và không tin tưởng vào sự nỗ lực của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, những người này luôn cho rằng những gì du nhập từ bên ngoài luôn có sự vượt trội hơn.

Trên thực tế không có gì là hoàn hảo. Mọi chủ trương, chính sách khi được ban hành và đi vào thực tiễn đời sống luôn cần có sự kiểm chứng và sau đó là hoàn thiện dần nhằm đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, với những người thích chỉ trích - họ chỉ thấy được mặt tiêu cực mà không chấp nhận mặt tích cực, cũng như luôn bị tâm lý đám đông chi phối dù nhận thức chưa rõ ràng về vấn đề mình chỉ trích! Điều đáng nói là trong các cuộc họp, hội nghị cần ý kiến đóng góp, xây dựng thì những người này thường im lặng nhưng sau đó lại bàn tán và chỉ trích rất sôi nổi trên các diễn đàn “ảo”.

Không thể đánh đồng xu hướng này với việc phê bình, phản biện xã hội. Có thể xem đây như một hình thức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bởi khi không còn tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì cũng có nghĩa là lúc tư tưởng đã bị dao động. Và khi niềm tin bị dao động thì sẽ dễ bị các thế lực thù địch chi phối, điều này là vô cùng nguy hiểm.

A.N

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.