Cùng bàn luận

“Say tết”

Thứ Hai, 11/02/2019 | 16:08

“Say tết” là một trạng thái thường diễn ra sau tết, khi mà kỳ nghỉ tết khá dài đã kết thúc nhưng nhiều người, nhiều dịch vụ vẫn còn lâng lâng với không khí tết và chưa dứt ra được với lối ứng xử trong dịp tết.

Kỳ nghỉ tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 kéo dài gần 10 ngày đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được nghỉ ngơi, vui chơi và tham gia rất nhiều hoạt động đón tết truyền thống của dân tộc. Và cũng chính vì khoảng thời gian nghỉ ngơi thoải mái kéo dài này đã tạo nên “sức ỳ” trong suy nghĩ của nhiều người, trong đó có không ít cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một kiểu trạng thái “say tết”: thời gian nghỉ ngơi đã đi qua nhưng tư duy vẫn chưa “vận hành” theo kịp. Biểu hiện rõ nhất của trạng thái “say tết” trong các năm trước ở cơ quan nhà nước là công chức, viên chức còn vui với việc chúc tết trong khi tinh thần làm việc mệt mỏi và chưa để tâm hoàn toàn cho công việc; trong xã hội là những lễ hội liên miên, giá cả thị trường leo thang ngày tết vẫn chưa chịu xuống… Hệ lụy của việc “say tết” là công việc bị chậm nhịp, kế hoạch của năm không kịp triển khai theo đúng tiến độ, thị trường không được kiểm soát… Và tất nhiên kéo theo đó là sự chậm nhịp của cả năm; thời gian, tiền bạc bị lãng phí!

Từ sau tết năm trước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước. Hiệu quả thực hiện Chỉ thị 12 trong cả năm qua đã được người dân chứng nhận và hài lòng. Thực tế cho thấy, từ tác động của Chỉ thị 12, năm nay các cơ quan công quyền đã không còn tình trạng “say tết”; tiến độ làm việc đã nhộn nhịp ngay từ đầu năm. Nhưng người dân còn kỳ vọng nhiều hơn thế. Họ mong muốn cán bộ, công chức, viên chức sẽ dành 100% tâm trí cho công việc ngay khi tết kết thúc để những yêu cầu, vấn đề của dân được giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả. Bởi việc có mặt đầy đủ thời gian ở cơ quan không có nghĩa là cán bộ chưa hết “say tết”!

Nhưng nếu dân có yêu cầu đối với cơ quan công quyền thì ngược lại, cơ quan quản lý cũng mong muốn người dân mau chóng trở lại cuộc sống thường nhật. Những buổi tiệc tùng, những chén rượu mừng xuân cũng ít lại để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Những lễ hội truyền thống cũng được tổ chức văn minh hơn, tránh những hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan. Chỉ khi Nhà nước và nhân dân cùng đồng hành thì mới thật sự giải quyết được tình trạng “say tết”!

N.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.