Cùng bàn luận

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Thứ Hai, 04/09/2017 | 16:31

Doanh nghiệp phát triển bền vững là doanh nghiệp phát triển trên cả ba bình diện về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, cũng cần phải tác động tích cực trên cả ba bình diện đó. Trong đó, giảm chi phí, giảm phiền hà cho doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhất.

Phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ vào chiều 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận; khắc phục sớm tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT quá cao”.

Để thực hiện được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các cấp, ngành, các địa phương cần tập trung tháo gỡ ngay các rào cản, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ gần đây đã liên tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có nhiều nhiệm vụ, chỉ đạo liên quan đến cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có sự đột phá mạnh hơn vào hệ thống thể chế, bảo đảm các yếu tố đồng bộ, nhất quán, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và ổn định trong kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giao cho các bộ, ngành tự rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực của mình là chưa hợp lý bởi chính các bộ, ngành là cơ quan xây dựng chính sách, thực thi chính sách, sau đó lại được giao tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó thì rất khó mang lại hiệu quả. Do đó, cần thiết lập cơ chế, bộ máy độc lập về giám sát kết quả rà soát cũng như chất lượng thể chế kinh doanh và trách nhiệm thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường lấy ý kiến, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội để tạo sự đồng thuận, tính minh bạch trong việc ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, cần tạo kênh tiếp nhận và xử lý hiệu quả thông tin phản ánh của doanh nghiệp trong quá trình thực thi tuân thủ pháp luật. Quan trọng nhất là đổi mới thực chất bộ máy hành chính thực thi pháp luật kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục cải cách cơ chế điều phối, phối hợp giữa các cấp, các ngành.

ĐỖ PHÚ THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.