Cùng bàn luận

Giữ gìn truyền thống “tôn sư trọng đạo”

Thứ Hai, 20/11/2017 | 15:38

Hằng năm vào dịp ngày 20/11, dù còn không ít vất vả khó khăn nhưng những người làm nghề giáo đều có xúc cảm xen lẫn hạnh phúc; các thế hệ học trò thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta đã hình thành qua bao đời nay. Đó là truyền thống tốt đẹp của một dân tộc văn hiến và hiếu học.

Ngành Giáo dục từ những năm 80 của thế kỷ 20 có một triết lý, phải dạy cho học sinh có tri thức, kỹ năng và thái độ. Thái độ ở đây chính là đạo đức của con người, trách nhiệm của một công dân, cách ứng xử giữa con người với con người. Đó là cốt lõi của đạo làm người mà một học sinh cần phải tiếp thu. Mối quan hệ thầy trò thời đó nghiêm túc, chuẩn mực. Trò luôn kính trọng thầy. Sự kính trọng ấy thể hiện ở mỗi dịp lễ, tết, học trò lại rủ nhau tới chúc tết, thăm hỏi sức khỏe thầy. Bởi vậy, dân gian ta có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” với ngụ ý đặt vị trí của người thầy ngang hàng với công lao dưỡng dục của cha mẹ.

Từ năm 1982, ngành Giáo dục nước nhà đã chọn ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” có thêm bước phát triển mới và được phát huy đến ngày nay. Nhờ công lao dạy dỗ, rèn luyện nghiêm túc và sự chỉ bảo tận tình của các thầy, cô giáo, không ít học trò giờ đã thành danh. Nhiều người trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, cán bộ cao cấp nhưng vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho người thầy của mình, thậm chí khi thầy ra đi vẫn nhớ ngày giỗ và tự nguyện đến thắp hương cho thầy tại tư gia.

Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, có một số chuyện không hay xảy ra ở trường này hay trường khác đều lan truyền nhanh chóng  trên các phương tiện truyền thông làm cho nhiều người, nhất là các thầy, cô giáo phải suy ngẫm, thậm chí có người cho rằng truyền thống “tôn sư trọng đạo” có phần bị mai một. Điều đó ít nhiều làm cho những nhà giáo chân chính chạnh lòng. Nhưng chúng ta không phó thác, biện minh và hãy cùng nhau đấu tranh khắc phục loại bỏ những biểu hiện sai trái, tiêu cực ảnh hưởng tới nét đẹp truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Giáo dục là một sứ mệnh cao cả. Giáo dục có phát triển thì đất nước mới phát triển, phồn vinh, thịnh vượng. Vì thế, vai trò của người thầy vẫn luôn được xã hội tôn vinh. Được lãnh một trách nhiệm cao quý mà xã hội giao cho, đòi hỏi mỗi nhà giáo chúng ta càng phải ý thức được sứ mệnh lớn lao của mình để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, bồi đắp, làm giàu những giá trị văn hóa cho bản thân, góp phần làm tròn bổn phận “trồng người” theo đúng tinh thần “hữu xạ tự nhiên hương”.

GS-NGND PHẠM MINH HẠC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.