Cùng bàn luận

Đồng bằng sông Cửu Long: Giải pháp nào để thu hút phụ nữ cống hiến

Thứ Sáu, 26/03/2021 | 15:26

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 3 về “phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” đã chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ “G” để vận dụng trong thực tiễn. Một trong 8 chữ “G” mà Thủ tướng muốn nói đến là chữ “G” - “Giới”. Cụ thể là giới nữ, là “vấn đề bình đẳng giới” và cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy trí tuệ, tài năng của người phụ nữ (PN). Thủ tướng đề nghị đưa vấn đề này vào Nghị quyết 120 (Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, đồng thời đề ra mục tiêu đến năm 2050 và tầm nhìn đến năm 2100 phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững ĐBSCL).

Có thể thấy chữ “Giới” ở đây là Thủ tướng muốn bình đẳng giới phải được đi vào đời sống một cách thực chất để vai trò, vị trí của nữ giới được phát huy - mọi quyền lợi về học tập, lao động, cống hiến, sáng tạo và hạnh phúc… đi vào đời sống một cách thực chất ngay trên vùng đất Chín Rồng này…

Điều 5 Luật Bình đẳng giới (2006) ghi rõ: “Bình đẳng giới là việc nam - nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.

Luật là thế, nhưng trong thực tế đời sống thì người PN (trong đó có PN ĐBSCL) vẫn là “người đứng sau”. Họ chỉ phù hợp với vị trí “đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người PN”. Và… chỉ khi “đứng sau” thì PN mới an toàn hơn khi “đứng trước” ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen!

Sự phân công theo giới vẫn còn bất công trong gia đình và xã hội… Mới đây, cô bạn đồng nghiệp phàn nàn: “Thời buổi nào rồi mà còn quan niệm xem việc nhà là của PN”? Sau giờ làm việc, PN tất tưởi với bao công việc: nào là đón con, chợ búa, cơm nước, dọn dẹp, quần áo và bao công việc không tên khác. Trong khi đó thì nam giới thảnh thơi đọc sách, lướt “phây”, tán gẫu, bia bọt, bạn bè… Những chuyện như vậy là… “phung phí” với chị em thì nam giới coi đó là chuyện “đương nhiên”.

Qua điều tra trong phạm vi toàn quốc, nam giới chỉ làm việc 8 - 9 tiếng/ngày, trong khi PN làm việc bình quân 14 - 16 tiếng/ngày. Với họ, tan giờ làm việc ở công sở, nhà máy, xí nghiệp… chỉ là sự thay đổi hình thức lao động từ việc sản xuất công sang việc gia đình (chưa nói đến việc sinh đẻ, nuôi con, quán xuyến gia đình)… Vì thế sức khỏe PN bị vắt kiệt, thời gian bị bào mòn. Ngày qua ngày, trí tuệ PN dần dần trì trệ, khiến họ “kiệt sức” so với nam giới để vươn lên… Điều này kéo lùi vị thế của PN. Nhưng chua chát hơn là không tìm thấy sự sẻ chia, cảm thông từ người đàn ông trong chính gia đình họ!

Một nghịch lý nữa là sự phân công lao động gần như… “đương nhiên” là dồn cho PN công việc quá nhiều như đã nói. Xã hội “gán” cho PN rất nhiều chức năng (người mẹ, người vợ, người con dâu hoàn hảo, người cấp dưỡng, người sản xuất giỏi, giỏi việc nước - đảm việc nhà…) trong khi nam giới chỉ cần “đảm” một việc là… thành công! Điều này đã đưa vai trò của PN lên cao, nhưng kéo lùi vị thế của họ xuống thấp. Đó là một nghịch lý có thật.

Trong điều kiện như vậy thì có bao nhiêu người vươn lên đạt được vị thế như nam giới? Tất nhiên là có, nhưng phải có nghị lực, quyết tâm lớn lắm mới có thể thành công…

Đã có nhiều PN thành đạt trên nhiều lĩnh vực - ngay cả các lĩnh vực tưởng chừng như chỉ dành cho nam giới. Nào là nữ phi công, nữ trọng tài bóng đá (bóng đá nam), nữ lực sĩ… Qua thống kê cách đây vài năm, PN có trình độ đại học là 36,24%, thạc sĩ: 33,95%, tiến sĩ: 25,96%, giáo sư và phó giáo sư là 16,5%... so với mặt bằng chung. Trong lĩnh vực khoa học, có nhiều nhà khoa học nữ (cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) thật sự ghi dấu ấn vào các công trình cả trong nước và quốc tế.

Hiện tại, đã có 27,3% nữ đại biểu Quốc hội trong tổng số đại biểu (cao nhất Đông Nam Á) và trên 20% PN tham gia HĐND các cấp. Có thể nói PN có tầm nhìn, nhạy bén chính trị, có cách nhìn sâu sắc các vấn đề quan trọng của đất nước, có con mắt sắc sảo, có lý có tình, sáng tạo trong nghề nghiệp, trong hoạt động xã hội…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao trong các lĩnh vực trí tuệ, khoa học - kỹ thuật, trong bộ máy nhà nước, các cơ quan dân cử… tỷ lệ nữ thấp hơn rất nhiều so với nam giới? Một số trường hợp bị coi là được “nâng đỡ, ưu tiên”. Phải chăng PN năng lực kém hơn nam giới? Câu trả lời là không. Vậy thì do đâu? Xin nói ngay, đó là sự định kiến - định kiến về giới - Trong sâu xa, sự định kiến được xem như một… tất yếu.

Trong các cuộc bầu cử, người ta thường chú ý đến nam giới - phớt lờ nữ giới. Nhiều nơi, phải đặt ra cơ cấu để đưa nữ vào diện bầu cử. Vì vậy nữ trúng cử thấp và thường được đặt trong vòng “ưu tiên”. Thực chất của vấn đề vẫn là sự… định kiến giới chứ không liên quan gì đến năng lực. Định kiến còn được thể hiện trong việc phân công lao động, sự phân công ấy… bất công ngay trong gia đình và xã hội (như đã nói ở phần trên). Chính những điều này nên bất cứ lĩnh vực nào nữ giới cũng chỉ là “người đứng sau” so với nam giới - PN ĐBSCL cũng nằm trong hoàn cảnh đó ở mọi lĩnh vực của đời sống!

Muốn có sự tham gia của PN trong lao động, học tập, công tác, trước hết PN cần được sự chia sẻ của nam giới - đặc biệt là trong gia đình. PN phải được tạo mọi điều kiện, mọi cơ hội để được phát triển, cân bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa vị trí và vai trò của PN.

Các chính sách về giới của nước ta đã được ban hành, được chú trọng khuyến khích sự phát triển của PN, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế, chưa phù hợp với sự khác biệt về giới giữa nam và nữ. Rồi sự kỳ thị vẫn còn ít nhiều - nhất là trong đánh giá kỹ năng, đào tạo, đề bạt PN trong nhiều cơ quan, tổ chức chưa tương xứng (ĐBSCL cũng nằm trong thực trạng đó).

Các tổ chức và xã hội cần nhìn nhận sự đóng góp to lớn của PN cho gia đình, xã hội. Những đóng góp không chỉ tạo ra xã hội tiến bộ, văn minh mà còn phát triển chính bản thân PN. Nhưng thực tế vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của PN.

Công việc trước mắt và căn cơ là cần hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ. Cùng với đó cần tăng cường hơn nữa việc lồng ghép nội dung bình đẳng giới để quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ khu vực nông thôn ĐBSCL thông qua các chương trình quốc gia về giáo dục nghề nghiệp. Chú ý đến thu nhập của lao động nữ (lao động nữ luôn thấp hơn nam, xu hướng này ngày càng nới rộng ra, mức chênh lệch ngày một lớn hơn).

Tuy đã qua có hàng loạt chính sách đào tạo, việc làm cho lao động nữ cả nước và lao động nữ ĐBSCL. Cụ thể như Quyết định 2351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020; Đề án 939 “hỗ trợ PN khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020” cùng các đề án đào tạo lao động và hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn. Tuy vậy tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ĐBSCL vẫn “thấp toàn diện” so với mặt bằng chung cả nước…

Điều đó cho thấy thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học có nhiều chủ trương, giải pháp, đề xuất… để tạo công bằng về giới, về vị trí và vai trò của PN. Nhưng khi thực hiện trong thực tiễn chưa được như mong đợi…

Trước khi kết thúc mấy dòng này, xin được mượn lời của GS-TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và Phát triển: Muốn thực thi pháp luật về giới - nghĩa là bình đẳng giới và công bằng giới là 2 lĩnh vực liên quan phải cùng được thực hiện thì mới đưa đến “bình đẳng giới thực chất”…

Vâng! chỉ khi “bình đẳng giới thực chất” thì chữ G - “Giới” mà Thủ tướng Chính phủ mong muốn mới được phát huy một cách đầy đủ, toàn diện ngay trên vùng đất Chín Rồng…

N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.