Cùng bàn luận

Báo chí là niềm tin của bạn đọc trong đại dịch COVID-19

Thứ Sáu, 05/11/2021 | 18:25

Nhiều ý kiến cho rằng: Trong đại dịch COVID-19 bùng phát - đặc biệt là làn sóng COVID lần thứ 4 hoành hành tàn khốc ở nước ta - nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Nam Bộ, ngoài sự chỉ đạo phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời của Đảng, Chính phủ và địa phương thì Báo chí (Báo chí chính thống) là niềm tin tưởng để họ vượt qua đại dịch…

Sự cảm kích này bắt đầu từ thực tế đã diễn ra sau gần 4 tháng “cửa đóng then cài, ai ở đâu ở đó…”.

Giờ đây, khi dịch bệnh đã “dịu” lại, cuộc sống “bình thường mới” đã trở lại với nhiều vùng miền, địa phương… Chúng ta thử làm một “tổng kết nhỏ”, rút ra bài học từ những gì bạn đọc “cảm tưởng” ở phạm vi hẹp nhất, gói trong 2 chữ “niềm tin” dành cho Báo chí.

Vâng, có thể nói, khi đại dịch bùng phát, tàn phá mọi mặt của đời sống xã hội thì Báo chí lập tức đồng hành, kịp thời san sẻ mọi mặt về tâm tư, tình cảm, tinh thần của các tầng lớp nhân dân…

Hành động cụ thể trước tiên là Báo chí đã mở nhiều chuyên trang, chuyên mục (đối với báo in, báo điện tử, tăng thời lượng, tăng chuyên mục đối với báo phát thanh, truyền hình) và đã gửi các phóng viên tiếp cận ngay các tâm dịch, những khu vực “vào sinh ra tử” để thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác nhất về tình hình dịch COVID-19 cũng như những biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn của các cấp chính quyền, các lực lượng nơi tuyến đầu, các lực lượng y tế trong tâm dịch đầy cam go, nguy hiểm theo mọi phương diện.

Từ nơi tuyến đầu ấy, Báo chí đã phát đi những thông tin kịp thời, chân thực, có định hướng, có phân tích, đánh giá khách quan đã kịp trấn an tinh thần, hướng tâm trạng xã hội theo chiều tích cực nhất. Khách quan mà nói, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 “tấn công” trên phạm vi cả nước, mà khu vực bị đe dọa nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Nam Bộ (cả miền Đông, miền Tây đều chịu ảnh hưởng nặng nề…) thì sự hoang mang, dao động, thấp thỏm, lo âu… luôn có trong mỗi con người - nhất là lúc cao điểm, mỗi ngày cả nước có đến 10.000 - 15.000 người nhiễm COVID-19 và hàng ngàn người chết từ dịch bệnh này… Rồi nạn thiếu giường bệnh, thiếu thuốc men, thiếu sự chăm sóc của nhân viên y tế, thiếu ôxy, máy thở… càng làm cho sự lo lắng, hoảng sợ tăng lên. Lằn ranh sinh - tử quá mong manh không chỉ do biến thể Delta diễn biến, tác động quá nhanh, quá mạnh mà còn do “quá tải” về mọi mặt mới là điều đáng lo sợ nhất. Quá tải bệnh nhân do thiếu bệnh viện, quá tải không khí do thiếu ôxy, quá tải lực lượng y tế do bệnh nhân liên tục tăng nên điều kiện giành giật sự sống cho bệnh nhân đôi lúc bị bất lực. Ngay cả sự quá tải trong các lò hỏa táng cũng là nỗi ám ảnh không thể nào diễn tả nổi?!

Nhưng những lúc hoang mang, lo lắng đến… bế tắc thì Báo chí đã kịp thời đồng hành, chia sẻ, động viên (cho cả lực lượng tuyến đầu, các y, bác sĩ, nhân viên y tế, cho cả người không may nhiễm bệnh…) và cả xã hội nói chung… đã vực dậy niềm tin, lấy lại tinh thần, vượt qua nghịch cảnh.

Báo chí kịp thời có những thông tin lạc quan về sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ: thông tin khi cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, làm ấm lòng người, làm yên lòng những người trong hoạn nạn. Những thông tin về những binh đoàn của Quân đội, Công an, Y tế cả nước nối nhau lên đường chi viện cho miền Nam. Những thông tin về lực lượng tình nguyện, về sự chung tay của đồng bào cả nước, của các doanh nghiệp, kiều bào nước ngoài hướng về quê hương… đã tạo nên sức mạnh vượt qua đại dịch. Bằng những thông tin trung thực, chính xác, kịp thời đã động viên khích lệ tinh thần tích cực của mọi tầng lớp nhân dân - nhất là những người trong khó khăn, hoạn nạn. Báo chí cũng kịp thời khơi dậy tinh thần nhân nghĩa, sẻ chia với miền Nam “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” như lời Bác Hồ kính yêu căn dặn.

Tiếng nói của Báo chí không chỉ là “liều thuốc an thần” cho người đọc, mà còn góp phần đả phá những thông tin xấu, độc, thông tin thất thiệt, giả mạo… làm xáo trộn tinh thần, an ninh trật tự xã hội bị đảo lộn… Khi đó, Báo chí chính thống vào cuộc bằng nguồn tin chính xác, chân thực, đầy đủ… đã vạch trần, bác bỏ những thủ đoạn giả dối, bịa đặt, đem lại niềm tin cho Nhân dân.

Cũng trong đại dịch, đời sống người dân bị xáo trộn; kinh tế trì trệ; một lực lượng lớn công nhân mất việc làm, các doanh nghiệp, địa phương phải giãn cách xã hội nằm trong diện khoanh vùng, phải thực hiện theo các Chỉ thị 15, 16, 19… Rồi nhiều lúc trở thành “vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng…” thật sự làm cho doanh nghiệp, nhà máy sản xuất vô cùng khó khăn, cả xã hội khó khăn. Và cũng chính lúc khó khăn nhất thì Báo chí chính là người bạn đồng hành, nói lên tiếng nói trung thực về những khó khăn, bất cập mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, từ đó đã có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ từ cơ quan quản lý được đưa ra.

Không những thế, Báo chí trong đại dịch được xem như “bà đỡ” bao quát nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Từ giấy đi đường có nhiều bất cập, từ việc người dân ở vùng xanh qua “vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng”… và ngược lại đều luôn có tiếng nói luận bàn, phân tích chí lý của Báo chí để tìm ra phương pháp thích hợp nhất trong công tác phòng chống dịch cho cả cộng đồng - xã hội một cách phù hợp. Có thể nói ngay thời điểm khó khăn nhất, với sự vào cuộc, ghi nhận, phản ánh chân thực của Báo chí - cơ quan quản lý đã nhanh chóng nhận thấy những bất cập, từ đó điều chỉnh giúp giảm đi thời gian, công sức của doanh nghiệp trong các thủ tục rườm rà, bất hợp lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung vào nguồn lực duy trì sản xuất, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Nhiều bài báo đã kịp thời phản ánh những khó khăn, đã động viên doanh nghiệp, người lao động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đem đến cho họ niềm tin, sự lạc quan về ngày mai tươi sáng.

Giờ đây, có điều kiện nhìn lại, có thể thấy rằng dù thời điểm chống dịch COVID-19 hay hậu COVID-19 (tức trong điều kiện “bình thường mới”), có thể nói lúc nào Báo chí cũng tạo được bầu không khí tích cực, tinh thần đoàn kết, hợp tác, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp. Nói rộng hơn là Báo chí đã tạo được niềm tin, niềm phấn khởi, lạc quan cho mọi người ngay cả khi bức tranh phòng chống COVID-19 còn “xám màu”…

Niềm tin của bạn đọc nói chung dành cho Báo chí nhờ tính kịp thời - khách quan - trung thực - chính xác - đầy đủ mà các phương tiện truyền thông khác (gọi chung là mạng xã hội) luôn khiếm khuyết ở mặt này, mặt khác.

Đại dịch COVID-19 - làn sóng lần thứ 4 là “dịp” để minh chứng cho tính ưu Việt của Báo chí (Báo chí chính thống) đem lại niềm tin sâu sắc từ công chúng.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.