Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018)

​Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng

Thứ Sáu, 17/08/2018 | 15:59

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, người Cộng sản kiên cường, mẫu mực, chiến sĩ quốc tế có uy tín lớn, biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. 92 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, gần 17 năm bị tù đày, đồng chí Tôn Đức Thắng từng giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhà nước.

Ở bất cứ cương vị nào, hoàn cảnh nào, đồng chí cũng nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành, sự tận tụy đối với Đảng, với nhân dân và phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, tinh thần chiến đấu anh dũng, không quản ngại hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Đồng chí Tôn Đức Thắng (nhân dân ta quen gọi thân mật là Bác Tôn), sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước ở cù lao Ông Hổ, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên; nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Đại diện thanh niên Năm xung phong quây quần bên Bác Tôn. Ảnh: Tư liệu

Năm 1919, đồng chí Tôn Đức Thắng đã quyết định ra đi để tìm cuộc sống mới và tìm cách cứu dân, cứu nước; đồng thời cũng để tránh sự truy lùng của kẻ thù. Với vốn tiếng Pháp đã học ở trường và tay thợ khá, đồng chí Tôn Đức Thắng được tiếp nhận vào Hải quân Pháp, được trao cấp hàm hạ sĩ - một cấp bậc nhỏ nhưng là người Việt Nam đầu tiên được trao cấp hàm này.

“Cuộc đời trên mặt biển” đã đưa ra cuộc hành trình lịch sử của đồng chí Tôn Đức Thắng đến nơi “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”. Và chính trên bước đường “Quan san muôn dặm”, người công nhân thủy thủ trẻ tuổi Việt Nam đã nhập tâm sâu sắc khẩu hiệu chiến đấu vĩ đại của các nhà khai sáng chủ nghĩa xã hội khoa học “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”. Biểu hiện rực rỡ của hành động “đoàn kết lại” đó là ý thức giác ngộ về chính trị và dũng khí tuyệt vời của đồng chí Tôn Đức Thắng trong buổi sáng mùa Xuân 1919 trên mặt biển Hắc Hải, khi tự tay kéo lá cờ đỏ thiêng liêng lên đỉnh cột cờ thiết giáp hạm France và hát vang bài “Quốc tế ca” hùng tráng để ủng hộ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, ủng hộ Lênin, ủng hộ chính quyền Xô Viết. Sự kiện bất diệt này đã từng được Bác Tôn hồi tưởng lại: “Trời đã tối, tàu sắp qua Đác-đa-nen. Không khí trên tàu càng sôi sục. Một số anh em vận động thủy thủ họp mít-tinh để đấu tranh với bọn chỉ huy. Anh em bảo tôi: “Trước khi mít-tinh, mày ra kéo lá cờ đỏ nhé. Kéo để cho chiến hạm Hồng quân biết chúng ta là bạn, không phải là thù”. Tôi rất thích được tự tay mình làm việc đó. Lúc đó vào quãng gần sáng, chiến hạm đã lọt vào Hắc Hải. Tiếng kèn tập hợp vừa nổi lên (cũng là tiếng kèn tập hợp thường ngày của thủy quân, nhưng lần này không phải do lệnh chỉ huy) thì ngọn cờ đỏ cũng được kéo lên trên cột cờ đô đốc. “Các bạn Liên Xô ơi! Tàu của chúng tôi còn xa bến các bạn, các bạn còn chưa thấy ngọn cờ đỏ này. Nhưng với ngọn cờ này, giữa Hắc Hải chúng tôi chào các bạn. Tôi mong ước với lá cờ đỏ này, chiến hạm sẽ chạy vào hải cảng các bạn, và tôi sẽ lên bộ để may ra được tham gia cách mạng và được học hỏi để về nước làm cách mạng”.

Sau sự kiện này, đồng chí Tôn Đức Thắng ra khỏi lực lượng Hải quân Pháp, rồi vào làm việc tại hãng Rơ-nôn. Tại đây, đồng chí đã tham gia phong trào công nhân Pháp, gia nhập Tổng Công hội Đỏ và hoạt động tích cực cho phong trào yêu nước của Việt Kiều. Sau đó, đồng chí Tôn Đức Thắng rời Paris, trở về Tổ quốc để sinh sống và hoạt động cách mạng. Đồng chí Tôn Đức Thắng sống trong một căn nhà nhỏ đơn sơ, rồi xin vào làm việc tại xưởng Ba Son - cơ sở sửa chữa tàu khá lớn của hải quân Pháp. Tại đây, đồng chí tham gia phong trào công nhân Sài Gòn, lập tức xây dựng các cơ sở Công hội Đỏ, phát động công nhân đòi dân sinh dân chủ. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã vận động và tổ chức cuộc đấu tranh và bãi công của hàng ngàn công nhân Ba Son. Với những hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin qua phong trào công nhân Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đứng ra thành lập Công hội Đỏ - tổ chức Công đoàn Cách mạng đầu tiên của nước ta.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe thuyết minh cách đánh B.52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Năm 1929, viện vào việc đảm bảo an ninh, thực dân Pháp đã bắt và giam đồng chí Tôn Đức Thắng ở Khám Lớn Sài Gòn và bị kết án 20 năm khổ sai. Đến tháng 6/1930, đồng chí bị đày ra Côn Đảo - nơi được thực dân Pháp lập nên sau khi xâm chiếm nước ta. Tại đây, chúng giam giữ và giết hại hàng ngàn tù nhân, trong đó phần lớn là tù chính trị. Gần 17 năm bị giam ở ngục tù đế quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ là một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù; thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ.

Trên hòn đảo được gọi là "địa ngục trần gian", nơi kẻ địch đày ải, tra tấn, khủng bố dã man hòng làm nhụt ý chí đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng, Bác Tôn và các đồng chí của mình đã tỏ rõ khí tiết kiên trung với Đảng, với cách mạng. Dưới đòn roi và sự kiểm soát gắt gao của địch, Bác Tôn vẫn một lòng một dạ hướng về Đảng. Chỉ sau một thời gian ngắn ra đảo, Bác Tôn đã đứng ra vận động thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo. Cùng với động viên anh em tù chính trị thực hiện khẩu hiệu: "Biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản", bản thân Bác bất chấp sự khủng bố dã man của kẻ thù, miệt mài học hỏi, trau dồi lý luận Mác - Lênin. Trong suốt 15 năm bị giam cầm trong ngục tù Côn Đảo, Bác Tôn trở thành biểu tượng bất khuất của người đảng viên cộng sản, là tấm gương mẫu mực động viên các thế hệ tù chính trị Côn Đảo giữ vững niềm tin chiến thắng. Bằng tình thương yêu cao cả, hết lòng vì đồng chí, đồng bào, nhường cơm xẻ áo, Bác Tôn đã cảm hóa, giác ngộ được nhiều tù nhân thường phạm, sau này họ trở thành những người hăng hái tham gia cách mạng.

Theo QĐND

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.