Thực hiện Nghị quyết 36 của BCH Trung ương Đảng khóa XII: Bạc Liêu chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo

Thứ Hai, 03/06/2019 | 16:24

Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”. Góp sức thực hiện mục tiêu này, Bạc Liêu đang cho thấy những nỗ lực vượt bậc của một địa phương có nhiều tiềm năng về biển.

Phó Thủ tướng Chính phủ -  Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ TN&MT và tỉnh Bạc Liêu tham dự lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2019. Ảnh: M.Đ

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN XANH...

Là một quốc gia có tiềm năng, lợi thế về biển như phát triển kinh tế biển ở Việt Nam lại chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 36 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng con đường phát triển “kinh tế biển xanh”. Ngoài mục tiêu tổng quát, Nghị quyết 36 còn xác định một số mục tiêu cụ thể như: các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước; chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1 - 2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Để từ đó, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Có 5 quan điểm về phát triển kinh tế biển trong thời gian tới, trong đó hàng đầu là thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đảng ta khẳng định “Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”.

Trồng rừng ven biển chống sạt lở. Ảnh: M.Đ

...VÀ SỰ GÓP SỨC CỦA BẠC LIÊU

Tỉnh Bạc Liêu có chiều dài bờ biển 56km, với ngư trường đánh bắt rộng hơn 40.000km², có nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế biển cũng như mở rộng hợp tác quốc tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, Bạc Liêu đã và đang đẩy mạnh khai thác, phát triển nhiều mặt kinh tế biển, từ đánh bắt trên biển đến nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là con tôm với mục tiêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đồng thời, tỉnh rất chú trọng phát triển năng lượng tái tạo với các dự án điện gió đang vận hành, đang thi công và các dự án chuẩn bị đầu tư gần như phủ kín khu vực ven biển. Tỉnh cũng rất quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch tuyến biển, du lịch sinh thái; ổn định đời sống và xây dựng cộng đồng dân cư tuyến biển, gắn với thế trận an ninh quốc phòng, bám bờ, bám biển xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…  Ngoài ra, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và các điều kiện thực tế của địa phương, Bạc Liêu đã xác định phát triển theo 5 trụ cột, mà trong đó có đến 4 trụ cột liên quan đến biển, đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ông Dương Thành Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: “Những nỗ lực của tỉnh đã mang lại nhiều kết quả ban đầu rất tích cực, nhận được nhiều sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương và các tổ chức quốc tế. Nhất là đúng với định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là Bạc Liêu phát triển theo hướng “xanh”, chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Không chỉ đăng cai lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2019, Bạc Liêu còn tổ chức chuỗi hoạt động hết sức ý nghĩa như triển khai Nghị quyết 36, khởi công Nhà máy xử lý rác tại huyện Vĩnh Lợi, khởi công xây dựng Nhà máy điện gió Hòa Bình; các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội hướng đến sự kiện này… Điều này khẳng định quyết tâm, hành động của Bạc Liêu trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam, hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

THANH LÂM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.