Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa: Các địa phương cần sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu

Thứ Sáu, 02/11/2018 | 15:11

Nhằm giữ ổn định đất trồng lúa và nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm qua, Bạc Liêu đã triển khai kịp thời nguồn vốn hỗ trợ và phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định 35 của Chính phủ về hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn. Tuy nhiên, qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh mới đây ở một số địa phương, ngành chức năng thì quá trình triển khai Nghị định 35 còn khá lúng túng, bất cập…

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với huyện Hồng Dân về việc thực hiện Nghị định 35 của Chính phủ. Ảnh: T.T

Từ năm 2016 - 2018, ngân sách Trung ương đã bổ sung nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh theo Nghị định 35 với số tiền trên 198.530 triệu đồng (tương đương hơn 172.300ha). Từ nguồn vốn này, các huyện, thị xã, thành phố đã căn cứ vào tình hình thực tế quản lý, sử dụng đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng trên 730 công trình, dự án như: làm lộ giao thông, xây cầu, cống, ô đê bao, nạo vét các tuyến kênh. Từ đó, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa đã ngày một hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, còn hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa. Đặc biệt, các ngành, địa phương cùng doanh nghiệp đã quan tâm triển khai thực hiện hỗ trợ liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra (có gần 5.400 hộ dân được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trên diện tích 49.000ha). Nhìn chung, đa số các công trình được đầu tư đều phát huy hiệu quả, quá trình thi công có sự tham gia giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng, các tổ chức đoàn thể và nhân dân ở cơ sở.

Tuy nhiên, thông qua thực tế giám sát của HĐND tỉnh ở các huyện: Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi và một số đơn vị cấp xã cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị định 35 ở một số đơn vị vẫn còn chậm, công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân chưa kịp thời dẫn đến nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ. Đơn cử như qua giám sát ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) thì địa phương cho rằng, sự thay đổi từ hỗ trợ trực tiếp cho người dân sang hỗ trợ địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, nông nghiệp, nông thôn lúc đầu có một bộ phận người dân chưa đồng tình nên dẫn đến khiếu nại, phản ánh. Cùng với đó là trong quá trình thực hiện, các công trình đều do huyện làm chủ đầu tư nên xã không nắm được công trình nào được xây dựng từ nguồn của Chính phủ theo Nghị định 35, do đó quá trình kiểm tra, giám sát cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số công trình như trạm bơm điện, cống nội đồng, ô đê bao khép kín của xã Vĩnh Phú Đông cũng chưa được đầu tư kịp thời…

Còn đối với các huyện: Hòa Bình, Vĩnh Lợi thì nguồn vốn đầu tư phân bổ khá chậm; nguồn vốn phân bổ cho các xã rất ít (chưa được 50% diện tích đất chuyên trồng lúa). Bên cạnh đó, theo phản ánh của cơ sở thì thời điểm đầu tư cũng chưa hợp lý vì thường rơi vào mùa mưa, mùa vụ người dân đang canh tác nên việc thực hiện các công trình gặp khó khăn, chậm tiến độ. Ngoài ra, một số địa phương còn sử dụng nguồn vốn không đúng mục tiêu. Đơn cử như huyện Vĩnh Lợi đã sử dụng nguồn vốn phát triển đất trồng lúa của xã Hưng Thành và Hưng Hội để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, trong khi các công trình phục vụ phát triển sản xuất thì không được đầu tư…, điều này khiến người dân vô cùng búc xúc.

Thiết nghĩ, để chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35 của Chính phủ được triển khai đúng quy định, hợp lý hơn thực tế hiện nay thì cần có sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự quan tâm định hướng đúng đắn của ngành chức năng, địa phương. Đây cũng là mong mỏi của người nông dân bám đất, bám ruộng và luôn muốn phát triển, sống tốt hơn từ cây lúa, đồng ruộng quê hương.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.