Thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - đoàn Bạc Liêu đóng góp 3 vấn đề quan trọng

Thứ Hai, 29/10/2018 | 15:09

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại hội trường. Ảnh: T.L

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV dành cả ngày 26/10 thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội. Trong ngày làm việc này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) phát biểu nêu 3 vấn đề quan trọng sau:

Thực hiện chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTS

Việc thực hiện chính sách, pháp luật, quan tâm đầu tư đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, cũng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc so với trước đây. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn không ít chính sách thực hiện hiệu quả chưa cao, chưa tách bạch. Đơn cử như việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt, giao đất, giao rừng còn chậm…; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Trong khi đây phần lớn là vùng khó khăn nhất so với mặt bằng chung của cả nước: khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân. Đại biểu Hoa Ry cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất cần được quan tâm xem xét chính là yếu tố cân đối, bố trí nguồn lực cho vùng dân tộc miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, còn thấp so với kế hoạch và nhu cầu vốn. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn cao, tổng số hộ nghèo chiếm đến 52,7%, nhiều nơi giảm nghèo theo phong trào, chạy theo thành tích, thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo rất phổ biến. Hiện nay, còn nhiều quyết định về chính sách cơ bản hỗ trợ  đồng bào dân tộc đã được Thủ tướng phê duyệt ban hành từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện. Chỉ tính riêng Quyết định 2085, theo tổng hợp của các địa phương thì còn hàng trăm ngàn hộ cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt và vay vốn tín dụng chưa được giải quyết. Cụ thể, cần hỗ trợ đất sản xuất 79.065 hộ; thiếu đất sản xuất, cần được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 221.941 hộ; nước sinh hoạt phân tán 343.511 hộ; nhu cầu vốn vay tín dụng 397.262 hộ. Đồng bào DTTS rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù này, để đồng bào sớm có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Đáng lưu ý, giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn đầu tiên thực hiện kế hoạch trung hạn. Trong khi các chính sách dân tộc, trong đó có cả chính sách mang tính đăc thù được duyệt sau thời điểm kế hoạch trung hạn được thông qua, nên không được đưa vào kế hoạch trung hạn. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc triển khai thực hiện chính sách đối với đồng bào. Mặt khác, trong khi nguồn lực hạn hẹp như vậy, nhưng việc thực hiện chính cho đồng bào lại dàn trải, nhiều đầu mối tham mưu, hướng dẫn, quản lý không phân rõ trách nhiệm nên khó tránh khỏi sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng và phạm vi thực hiện, hiệu quả kém.

Đại biểu Hoa Ry đề nghị Quốc hội cần ban hành nghị quyết về chính sách dân tộc như một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể. Định hướng lâu dài cho phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới. Trên cơ sở tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, phân công trách nhiệm rõ ràng. Đặc biệt, ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện, nhất là những chính sách đặc thù dành cho đồng bào.

Ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Đây là vấn đề lớn, được nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri rất quan tâm, kiến nghị trong nhiều kỳ họp Quốc hội. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với nhiều giải pháp phát triển bền vững. Nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả. Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển vùng ĐBSCL còn nghiêm trọng, đang trông đợi Chính phủ có hành động quyết liệt hơn để kịp thời giải ngân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống của người dân.

Đại biểu đồng tình cao với đề xuất cần bố trí thêm 10.000 tỷ đồng từ nguồn còn lại của dự án quan trọng quốc gia chưa sử dụng cho dự án ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL.

Phát triển Bạc Liêu thành vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Bạc Liêu được Thủ tướng thống nhất phê duyệt Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Nhờ được sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản… Đủ điều kiện để triển khai, đã có hơn 20 doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu đăng ký đầu tư chuyển giao công nghệ, tham gia hầu hết các phân khúc trong chuỗi giá trị ngành tôm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đang gặp một số khó khăn liên quan đến nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, đầu tư hệ thống lưới điện và cơ chế đặc thù về vay vốn phục vụ phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhất là cho vay đối với đối tượng là hợp tác xã và nông hộ. Bạc Liêu rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên. Đồng thời hỗ trợ nguồn lực cho Bạc Liêu đầu tư xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Nếu những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời thì trong thời gian tới, con tôm Bạc Liêu chắc chắn sẽ có vị trí quan trọng trong bản đồ ngành tôm, trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và có những đóng góp xứng đáng trong việc thực hiện mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra là ngành tôm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trước năm 2025.

VÕ THANH HÙNG (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.