Những trưởng ấp hết lòng vì dân

Thứ Sáu, 19/07/2019 | 16:21

Yêu kính nhân dân và được nhân dân quý mến, đó là điểm chung của những trưởng ấp, bí thư chi bộ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Họ là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân ở tuyến cơ sở, nơi sâu sát nhất với nhân dân. Trọng dân đó cốt là để phục vụ nhân dân như lời Bác Hồ căn dặn đối với cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng: “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”!

Cô Nguyễn Thị Thủy - Bí thư Chi bộ ấp Nhà Việc (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) giải thích cho người dân về những thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai.

Khi dân không cho “từ chức”

Chú Lâm Văn Tiễn, nguyên Trưởng ấp Nhà Dài B (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) đã 72 tuổi nhưng chỉ mới “nghỉ hưu” cách đây 2 năm. Tròn 20 năm “giữ chức” Trưởng ấp, nếu không vì lý do sức khỏe yếu, chắc chú vẫn còn đảm nhận trọng trách này, bởi người dân địa phương không cho chú… từ chức!

Chú Mười Tẻo - công dân ấp Nhà Dài B, cho biết: “Ông Lâm Văn Tiễn nhiệt tình với bà con lắm! Mỗi khi biết nhà nào có hoàn cảnh khó khăn là ông Tiễn lập tức đến để chia sẻ, tìm cách vận động giúp đỡ. Ngoài ra, khi tham gia hòa giải những vụ tranh chấp, bất hòa trong ấp, ông Tiễn không chỉ dùng luật mà còn dùng chính uy tín của mình, ổng nói cái gì bà con cũng nghe theo”. Anh Tuyền, cán bộ phụ trách Tuyên giáo xã nhận định: “Có người trưởng ấp như chú Tiễn, phong trào nào phát động cũng được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Bà con tín nhiệm lắm, không cho chú… thôi chức trưởng ấp. Nay vì sức khỏe yếu nên chú nộp đơn xin nghỉ, nhưng hiện vẫn là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của ấp”. Những đợt họp dân tuyên truyền chính sách, chủ trương mới, vận động người dân tiếp tục hưởng ứng các phần việc xây dựng nông thôn mới, chú Tiễn tuy chỉ “đóng vai phụ” (tháp tùng theo bí thư chi bộ, trưởng ấp) nhưng người dân cứ thấy có “cựu trưởng ấp” thì hăng hái hưởng ứng.

Hình ảnh người đại diện cho chính quyền ở ấp Nhà Dài ngót 20 năm tròn đã gắn bó sâu đậm trong lòng người dân nơi này. Đó là mẫu hình người cán bộ tận tụy, cần mẫn, gắn bó và quan tâm đến đời sống bà con. Không quản ngại khó khăn, không nề hà lương bổng “ba cọc ba đồng”, chú thường xuyên xuống từng hộ dân để hiểu được tâm tư nguyện vọng của dân rồi ghi nhận và báo cáo về cấp trên để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho dân. Ấp Nhà Dài B giờ chỉ còn 7 hộ nghèo, xã Châu Hưng A cũng là một trong 3 đơn vị được công nhận là xã nông thôn mới của huyện…, ít nhiều cũng nhờ những thành tích ghi trong lòng dân của những trưởng ấp vì dân như chú Lâm Văn Tiễn.

Coi nhà của dân như nhà của mình

Chúng tôi không nghe “báo cáo thành tích” mà đến tận hộ dân để cảm nhận niềm tin yêu của họ dành cho nữ Trưởng ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) - Phạm Thu Đông. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan chia sẻ: “Căn nhà của tôi hồi đó rệu rã đến mức mùa giáp tết, gió chướng thổi là phải neo chằng, nếu không thì tốc mái. Nhờ có chị trưởng ấp có “cái dạ Bồ tát” mà gia đình tôi có được căn nhà ấm cúng như hiện tại. Không chỉ vậy, chị Đông còn vận động tiền sắm cho cái giường, cái tủ thờ trong nhà nữa…”. Đã 3 nhiệm kỳ làm những chuyện “vác tù và hàng tổng”, cô Đông tới từng điểm trường ủng hộ sách vở mỗi đầu năm học; vận động mạnh thường quân khắp nơi xây cầu, sửa đường cho dân đi lại dễ dàng; vận động tặng gạo, nhu yếu phẩm cho người nghèo. Riêng bản thân cô Đông cũng từng hiến đất gia đình để làm công trình phúc lợi cho ấp.

Hôm chúng tôi đến nhà thì cô Nguyễn Thị Thủy - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận ấp Nhà Việc (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) đang loay hoay ươm cây giống để phục vụ “công trình” 1.000m đường kiểu mẫu của ấp. Đang tiếp chuyện với chúng tôi thì có người dân đến hỏi thăm thủ tục pháp lý về đất đai. Cô Thủy tận tình giải thích, cái nào không thuộc thẩm quyền, cô hướng dẫn nơi để họ tiếp tục đến. Mặc dù gia cảnh khá neo đơn, phải giúp con trông giữ 3 đứa cháu ngoại còn nhỏ, thế nhưng cô Thủy vẫn xông xáo trên đủ “mặt trận”: hội họp ở xã, họp dân ở ấp, tới từng hộ nghèo để giúp đỡ, vận động và trực tiếp tham gia nhiều phong trào chung tay xây dựng xã nông thôn mới… Trong suy nghĩ của một người ít chữ nghĩa, anh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết rằng nhà anh đã được cô Thủy “đưa cái phao để thoát nghèo”. Anh kể, lúc căn nhà cũ bị sập, cô Thủy vận động hỗ trợ 3 triệu đồng, rồi không lâu sau đó, anh lại được nhận hỗ trợ 30 triệu đồng để cất nhà; cô còn giúp đỡ gia đình anh được vay vốn chăn nuôi… Không phụ lòng cô Thủy và các mạnh thường quân, gia đình anh đã nỗ lực vươn lên và thoát nghèo được 2 năm nay.

Lo cho dân từng phần việc thiết thân nên trưởng ấp, bí thư chi bộ vốn là những “người vác tù và hàng tổng” lại được dân “đem lòng mến yêu” tự lúc nào, xem như người thân trong nhà.

 Vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan bên căn nhà tình thương do cô Phạm Thu Đông - Trưởng ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình - (bìa phải) vận động hỗ trợ. Ảnh: C.T

Học Bác để chăm lo lợi ích thiết thực cho dân

Ở phạm vi bài này, chúng tôi nhấn mạnh việc học Bác về tư tưởng “làm người” (từ những tấm gương rất đời thường), ở khía cạnh: “làm người” là biết đồng cảm, chia sẻ với khó khăn của dân, luôn gương mẫu và biết nêu gương tốt cho mọi người. “Làm người” là phải thật sự yêu thương con người, gắn bó thân thiết, thấu hiểu và giúp dân một cách tận tụy. Những mẫu chuyện về Bác thì rất nhiều, ở đây chỉ đưa ra một số liệu minh chứng cho tư tưởng “làm người” rất đỗi bình dị giữa đời thường nhưng toát lên cái gốc đạo đức Hồ Chí Minh đẹp sáng ngời. Đó là từ năm 1955 - 1969, Bác đã có hơn 700 lần đi cơ sở! Người đến với người dân ở các địa phương, tìm hiểu đời sống công nhân ở các xí nghiệp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cháu học sinh - sinh viên, chia sẻ khó khăn cùng các chiến sĩ bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, thăm hỏi bác sĩ, bệnh nhân ở các bệnh viện lớn nhỏ… Đó là thái độ “yêu kính nhân dân”, “gắn bó máu thịt với nhân dân” trong tư tưởng “làm người” của phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Bác từng dạy: “Học để làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ”. Việc học “làm người” đã được Bác đặt lên hàng đầu!

Người đảng viên sống thế nào thì chính là hiện thân của Đảng một cách bình dị trong đời sống của nhân dân. Đảng viên nói tiếng nói của dân, làm việc làm của dân và tiếng nói, việc làm ấy đem lại lợi ích thiết thực cho dân. Đó là học Bác từ xuất phát điểm “làm người” và yêu kính nhân dân, một trong những nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày thêm vững mạnh trong tổ chức và uy tín trong lòng dân.

Ở những địa bàn cơ sở có trưởng ấp gần dân, có bí thư chi bộ ấp chăm lo cho dân đã làm cho Đảng trở nên gần gũi hơn trong nhận thức của quần chúng. Những tấm gương học Bác rất đời thường nhưng cũng rất con người, đúng như tư tưởng, phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh! Bởi làm người, theo Bác, là hướng tới chân - thiện - mỹ nhưng không hẳn phải cao xa mà quan trọng là ngay trong nếp nghĩ, cách sống, sự ứng xử với người dân trong công việc hàng ngày!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.