Nhu cầu nước sạch vùng nông thôn

Thứ Sáu, 29/03/2019 | 16:49

Mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được triển khai  rộng khắp các vùng nông thôn trong tỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khá lớn của người dân. Mới đây, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã thực hiện chuyên đề giám sát về kết quả xây dựng các công trình, dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề mà cử tri, nhất là người dân nông thôn quan tâm, bức xúc và phản ánh trong thời  gian qua.

>> Bài 1: Thực trạng nước sạch vùng nông thôn hiện nay

Bài cuối: Mục tiêu nước sạch phủ khắp nông thôn

Sự hiện hữu của 107 trạm cấp nước sạch nông thôn chỉ đáp ứng khoảng 50% hộ dân nông thôn trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, bất cập trong cơ chế, thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong xã hội hóa hiện nay cũng chính là rào cản cho mục tiêu nước sạch phủ khắp nông thôn. Để giải được bài toán này cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham mưu tích cực của ngành chức năng, sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân…

Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát Trạm cấp nước sạch nông thôn ở xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình). Ảnh: T.T

Thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch

Nước sạch cho cư dân vùng nông thôn là một trong những mục tiêu phải đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bởi mục tiêu này mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực chậm phát triển này. Thế nhưng những năm qua, ngoài việc thực hiện dự án nước sạch nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia thì chính ngành chức năng, địa phương cũng chưa có sự tham mưu thiết thực để UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút đầu tư trên lĩnh vực này. Do đó, qua giám sát của HĐND mới đây ở các huyện, thị xã trong tỉnh thì hầu như các đơn vị đều cho rằng rất khó để thu hút đầu tư trên lĩnh vực này. Đơn cử như huyện Hồng Dân, mặc dù hiện nay tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ đạt khoảng 43% nhưng trong quy hoạch những năm gần đây thì lại không có danh mục dự án nước sạch nào.

Rõ ràng nguồn vốn dành cho các dự án nước sạch nông thôn là không nhỏ. Với 107 công trình hiện hữu của tỉnh cũng đã trên 173 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia là trên 116 tỷ đồng. Ngoài ra, theo quy hoạch đến năm 2025 với 25 công trình nữa thì nguồn vốn dự kiến cũng lên đến trên 346 tỷ đồng. Đồng thời, bên cạnh việc đầu tư nguồn vốn khá lớn này, UBND tỉnh cũng đã kết hợp chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ giá đấu nối đồng hồ (trên 600.000 đồng/hộ) và giá nước (4.800 đồng/m3) cho người dân nông thôn. Như vậy, với nguồn vốn lớn và sự hỗ trợ không nhỏ cho người dân thì nếu không có sự kêu gọi đầu tư với những chính sách ưu đãi thì mục tiêu nước sạch nông thôn sắp tới sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Ngoài ra, một số nơi, cán bộ cơ sở, người dân chưa nhận thức đúng, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh về trách nhiệm thực hiện chương trình cấp nước sạch là trách nhiệm chung của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và của toàn thể nhân dân... Điều đó dẫn đến nhiều nơi trong tỉnh, mặc dù đã có đường ống cấp nước sạch nhưng người dân vẫn chưa đấu nối, trong khi qua khảo sát cho thấy giá đấu nối và giá nước nông thôn hiện nay đang thấp nhất so với khu vực và cả nước. Phần lớn người dân nông thôn sử dụng nhiều nguồn nước khác nhau, không ít hộ vẫn sử dụng các nguồn nước mưa, nước giếng khoan trong sinh hoạt. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng, do nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, y tế… thải trực tiếp vào môi trường, không qua bất kỳ khâu xử lý nào.

Khó vẫn phải làm

Chỉ tính mục tiêu thực hiện dự án nước sạch nông thôn trong năm 2019 thì đã thấy khá nặng nề khi phải hỗ trợ 34 xã, 2 huyện (Vĩnh Lợi và Hồng Dân) đạt chuẩn nông thôn mới theo mục tiêu chỉ đạo của tỉnh, nghĩa là phải đạt mức 65% hộ dân địa phương được sử dụng nước sạch. Trong khi đó, huyện Vĩnh Lợi hiện chỉ đạt 49,6%; huyện Hồng Dân còn rất nhiều xã đạt dưới 20%. Ông Trịnh Hoài Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Nhu cầu nước sạch ở nông thôn còn rất lớn, đặc biệt là mục tiêu nông thôn mới năm 2019 càng gấp rút và khó khăn hơn nếu không có sự quyết liệt ngay từ đầu. Bởi các dự án đều cần nguồn vốn rất lớn, trong khi qua khảo sát các vùng nông thôn sâu thì các hộ dân ở khá thưa thớt, có nơi các hộ cách nhau từ 700 - 1.000m, do đó, việc triển khai dự án ở nông thôn càng khó khăn hơn. Đồng thời mực nước ngầm hiện nay sụt giảm rất lớn nên quy trình lấy nước mạch càng khó khăn hơn. Nhưng khó mấy thì việc phải thực hiện mục tiêu phủ nước sạch cho nông thôn vẫn phải được sớm triển khai vì nó liên quan đến vấn đề sức khỏe, an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của địa phương”.

Việc phủ khắp nước sạch cho vùng nông thôn hiện nay quả là không dễ làm. Do đó, cùng với nguồn vốn lớn của Nhà nước cho lĩnh vực này thì rất cần sự chung tay của nhà đầu tư, người dân để có thể từng bước xã hội hóa. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này thì vấn đề thu hút đầu tư cũng như xã hội hóa việc xây dựng các công trình nước sạch vẫn đang vướng phải những bất cập. Bởi nguồn vốn bỏ ra để đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn rất lớn trong khi việc thu lại sau đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Cư dân nông thôn thu nhập thấp, nếu giá nước cao thì nhiều hộ sẽ không sử dụng, hoặc có sử dụng thì cũng rất tiết kiệm dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi. Nói về vấn đề nước sạch ở khu vực nông thôn hiện nay, bà Hồ Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phân tích: “Chương trình nước sạch nông thôn hiện còn vướng nhiều bất cập. Chỉ tính đến việc quy hoạch thôi đã khó, bởi bên cạnh những trạm cấp nước sạch quá tải thì cũng có không ít trạm hoạt động chỉ hơn 50% công suất do dân cư thưa thớt, một số hộ dân vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của nước sạch… Do đó, đề nghị ngành chức năng cần khảo sát thực tế, nghiên cứu thực hiện đề án quy hoạch hợp lý để triển khai các dự án hiệu quả, mang tính bền vững, lâu dài…”.

Nước sạch nông thôn là một phần nhiệm vụ của chương trình xây dựng nông thôn mới bắt buộc phải đạt được. Sự trợ lực của Nhà nước hiện nay dù rất quan trọng nhưng để đạt được mục tiêu thật sự của việc cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân khu vực nông thôn thông qua cung cấp nước sạch rất cần sự tham gia của nhiều nguồn lực khác và sự vào cuộc ngay của cả hệ thống chính trị.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.