Nhu cầu nước sạch vùng nông thôn

Thứ Tư, 27/03/2019 | 16:47

Mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được triển khai  rộng khắp các vùng nông thôn trong tỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khá lớn của người dân. Mới đây, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã thực hiện chuyên đề giám sát về kết quả xây dựng các công trình, dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề mà cử tri, nhất là người dân nông thôn quan tâm, bức xúc và phản ánh trong thời  gian qua.

Bài 1: Thực trạng nước sạch vùng nông thôn hiện nay

Nước sạch luôn là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống con người. Trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay, vai trò của nước sạch càng quan trọng, không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn phục vụ cả sản xuất nông nghiệp sạch. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sông, giếng khoan giảm dần và tỷ lệ hộ sử dụng nước từ các công trình cấp nước tăng lên. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2018 số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch chỉ đạt khoảng 50%, chất lượng nguồn nước sạch cũng chưa đồng đều.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát Trạm cấp nước sạch hiện đang quá tải thuộc thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình).

Người dân “chờ” nước sạch

Mặc dù theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thì chất lượng nguồn nước tại các trạm đều được lấy mẫu kiểm tra, giám định định kỳ 2 lần/năm, nhưng khi đi thực tế xuống xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) thì bà con phản ánh rằng không chỉ giờ cao điểm, nước chảy rất chậm mà chất lượng nguồn nước đôi lúc rất tệ: nhiễm phèn, rong cặn… Theo lời giải thích của ngành chức năng là do đường ống đã cũ chưa được duy tu, thay mới. Đặc biệt, toàn xã Hưng Thành chỉ có trên 21% hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch, nhưng vì chất lượng nguồn nước không đảm bảo nên có gần 800 hộ dân phải tự mua bình lọc để phòng những lúc chất lượng nguồn nước quá tệ. Nhiều hộ gia đình ở các xã thuộc huyện Vĩnh Lợi đã không ít lần kiến nghị với địa phương, HĐND về tình trạng mỗi khi cúp điện là xem như cúp luôn nước; đồng thời việc xử lý nước bằng Clo với hàm lượng cao, tải trực tiếp khiến nước có mùi nồng nặc và khi sử dụng tưới rau, thay bể cá… thì đều dẫn đến hậu quả rau héo, cá chết.

Chính vì nước sạch không vươn đến được các xã, ấp vùng sâu nên nhiều năm trước đây, thậm chí là hiện nay vẫn còn hàng chục ngàn hộ dân nông thôn trong tỉnh sử dụng hình thức cấp nước từ giếng khoan. Đơn cử như xã Hưng Thành có đến gần 1.400 hộ gia đình sử dụng nước giếng khoan. Giếng khoan thi công đơn giản và chi phí thấp, chất lượng nước chấp nhận được theo tiêu chuẩn “hợp vệ sinh”. Tuy nhiên, nhiều giếng khoan khai thác và quản lý không đúng cách có thể gây ô nhiễm tầng nước ngầm và khó khăn trong quản lý tài nguyên nước. Ở hầu hết các địa phương, các hộ gia đình khoan giếng tự phát không theo quy hoạch. Ở một số nơi, khai thác nước ngầm quá mức gây ra hiện tượng suy giảm mực nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường, hay gây ra hiện tượng sụt lún. Nhiều giếng khoan không sử dụng do không có nước hay hư hỏng trở thành những "ô cửa" gây ô nhiễm nước ngầm. Anh Thạch Văn Tuấn - người dân xã Hưng Thành, cho biết: “Tôi và nhiều người dân trong xóm rất muốn sử dụng nước sạch của Trạm cấp nước. Thế nhưng, do khu vực tôi ở dân cư còn thưa thớt nên dù đã kiến nghị nhiều lần lên xã vẫn nhận được lời động viên: chờ một thời gian nữa sẽ có. Hiện tôi sử dụng cây nước (giếng khoan) nhưng phải sử dụng mô-tơ điện mới bơm nước lên nổi. Còn vào thời điểm nắng hạn gay gắt, máy bơm cũng… chịu thua, buộc phải sử dụng nước sông lắng phèn…”.

Đoàn giám sát khảo sát chất lượng nguồn nước tại nhà dân ở xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: T.T

Nhiều trạm xuống cấp, quá tải

Trên địa bàn huyện Hòa Bình có 18 công trình nước sạch với tổng mức đầu tư trên 118,6 tỷ đồng, hiện đang hoạt động vượt công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tại Trạm cấp nước thị trấn Hòa Bình, Trung tâm Nước sạch đã xây thêm bể chứa, duy tu, nâng cấp trạm nhưng vẫn quá tải. Các hộ dân ở ấp Cái Tràm B, khu Thương mại, chợ… thường xuyên phàn nàn về tình trạng nước chảy “nhỏ giọt” trong giờ cao điểm, đặc biệt, nhà cao tầng gần như không thể sử dụng được nước ở các tầng trên. Thậm chí, có trạm được xây dựng từ năm 2009 đến nay gần như hư hỏng nhưng vẫn chưa được duy tu, sửa chữa (như Trạm cấp nước ở ấp 16, xã Vĩnh Hậu).

Còn tại huyện Đông Hải, hiện chỉ có 16 công trình cấp nước sạch cho hơn 22.000 hộ dân (chiếm tỷ lệ khoảng 47%), trong đó có 8 xã cần được đầu tư xây dựng 10 trạm nước sạch nữa mới đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân nông thôn. Đặc biệt, tại thị trấn Gành Hào có một dự án nhà máy nước sạch đã được khởi công từ năm 2010 đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động, hiện tạm ngưng thi công (do chủ đầu tư… bệnh nặng) vẫn chưa có hướng tháo gỡ, ảnh hưởng đến việc sử dụng nước sạch của người dân tại thị trấn. Nhiều hộ dân thị trấn phải sử dụng giếng khoan, xách nước nhờ các hộ trong khu vực…

Tương tự, tại huyện Hồng Dân, ngoài thị trấn Ngan Dừa còn đến 5 tuyến đường, khu dân cư chưa có nước sạch thì nhiều xã của huyện, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch chỉ chiếm số ít. Chẳng hạn như xã Vĩnh Lộc chỉ có 350/2.500 hộ dân được sử dụng nước sạch; xã Ninh Thạnh Lợi thì chỉ có 266 hộ được sử dụng nước sạch; đặc biệt, trên 300 hộ ở ấp Vĩnh An (xã Ninh Hòa) chưa có hộ nào được sử dụng nước sạch.

Việc sử dụng các nguồn nước không đảm bảo chính là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, về đường ruột, da liễu… Nhiều nghiên cứu cũng như kết quả thực tiễn đã chỉ ra rằng, sử dụng nguồn nước ô nhiễm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các bệnh ung thư. Vì vậy, nhu cầu về nước sạch ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết!

HOÀNG UYÊN

Ông Hồ Thanh Thủy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: “Qua giám sát cho thấy, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đã tăng lên nhưng vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước. Đặc biệt, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương, trong đó có tiêu chí nước sạch phải đạt 65% trở lên là bài toán cần được ngành chức năng, địa phương quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, công tác tuyên truyền để người dân quan tâm sử dụng nước sạch, bảo vệ nguồn tài nguyên nước hiện nay vẫn còn khá lơ là cần được chấn chỉnh. Bởi đây cũng là một trong những yếu tố để các dự án, chương trình nước sạch ở nông thôn sắp tới có những bước tiến bền vững…”

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.