Nhìn lại nửa nhiệm kỳ 2015 - 2020

Thứ Hai, 17/09/2018 | 15:07

LTS: Đến nay, các địa phương đã hoàn thành hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2015 - 2020. Những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ ở các địa phương vào năm 2020. Song, cũng cần nhìn nhận lại những khó khăn, thách thức và có ngay các giải pháp với một tư duy mới cùng quyết tâm cao độ. Bởi Bạc Liêu đã chuyển sang một giai đoạn mới và không dừng ở mức tăng trưởng đã đặt ra vào đầu nhiệm kỳ, mà phải tăng trưởng nhanh, tăng trưởng bền vững để không bị tụt hậu. Do vậy, sự tăng trưởng kinh tế ở các địa phương với chức năng là các vệ tinh sẽ góp phần tạo nên những động lực quan trọng để Bạc Liêu bứt phá vào năm 2020.

>> Xây dựng huyện Phước Long trở thành địa phương trọng điểm về kinh tế vùng Bắc Quốc lộ 1A, tại sao không?

Công tác giảm nghèo: Đâu là thách thức?

Sơ kết nửa nhiệm kỳ vừa qua, một trong những thành tựu quan trọng ở các địa phương chính là tập trung làm tốt công tác giảm nghèo. Song, đây cũng thật sự trở thành thách thức đối với nhiều địa phương hiện nay, nhất là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao.

KHÔNG NÊN NÉ TRÁNH

Có một điều dễ nhận thấy trong các báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ từ các địa phương là phần lớn đều dành cho việc đánh giá, phân tích các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Trong đó, công tác giảm nghèo có được nhắc đến nhưng rất sơ sài và còn chung chung như: giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu 2%, công tác giảm nghèo thực hiện có hiệu quả… Vấn đề đặt ra, sau những con số giảm nghèo khá đẹp ghi trong báo cáo, các địa phương hiện tại còn bao nhiêu phần trăm hộ nghèo, với tổng số hộ là bao nhiêu gần như không được đưa ra!?

Bởi, ngoài TP. Bạc Liêu và huyện Phước Long có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và đang phấn đấu đến cuối năm 2018 TP. Bạc Liêu giảm còn dưới 1% và huyện Phước Long giảm xuống còn 1,4%; nhiều địa phương khác tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm khá cao như: huyện Đông Hải vẫn còn chiếm hơn 15,42% (tính đến cuối năm 2017), huyện Hòa Bình còn 13,49%...

Điều đáng quan tâm, trong báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ, một số địa phương đã không đưa ra được con số cụ thể cho công tác giảm nghèo từ nay đến năm 2020. Cũng như hiện địa phương mình còn bao nhiêu hộ nghèo cần tập trung giảm và giảm nghèo bền vững. Phản ánh bất cập này để thấy rằng, tập trung phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo an sinh xã hội. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của phát triển kinh tế cũng chính là nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Thực tiễn chứng minh, một trong những thách thức đối với cả Đảng bộ trong nhiệm kỳ này chính là công tác giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh vẫn còn hơn 17.210 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,42% và 13.587 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,64%. Trong năm qua, công tác giảm nghèo tuy thực hiện vượt kế hoạch đề ra (3,82%) so với chỉ tiêu giao là 2%, nhưng tỷ lệ hộ nghèo phát sinh mới cũng chiếm khá cao, trong đó hộ nghèo phát sinh mới là 1.710 hộ và hộ cận nghèo hơn 3.000 hộ. Đây là nhiệm vụ lớn cần được tập trung giải quyết trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Đặc biệt, các địa phương không nên né tránh, chạy theo thành tích, số lượng mà không thực hiện được giảm nghèo bền vững, làm cho tỷ lệ tái nghèo và phát sinh thêm hộ nghèo tăng cao.

Hội LHPN huyện Phước Long tặng ao cá nghĩa tình cho hộ nghèo.

HIỆU QUẢ ĐẾN ĐÂU?

Với phương châm “đồng hành, chung tay cùng hộ nghèo và không ai bị bỏ lại phía sau”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để chăm lo cho hộ nghèo. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và tạo sinh kế cho hộ nghèo.

Điểm lại một vài chương trình đầu tư cho hộ nghèo mới thấy hết sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như trong nửa nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh có hơn 15.280 hộ nghèo được nhận giúp đỡ từ các cơ quan, đơn vị với tổng vốn hỗ trợ gần 52 tỷ đồng, cấp 874.220 thẻ bảo hiểm y tế (tương đương trên 504 tỷ đồng), xây dựng hơn 1.800 căn nhà cho hộ nghèo, cho vay tín dụng với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng…

Từ những con số trên cho thấy, Bạc Liêu đã triển khai nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ các hộ nghèo. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, một số chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo hiện nay mang lại hiệu quả chưa cao, nếu như không muốn nói là gây lãng phí. Đơn cử như trong công tác đào tạo nghề cho hộ nghèo thuộc dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng/năm, nhưng hiệu quả mang lại không nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho hộ nghèo không tha thiết với việc học nghề và khó thoát nghèo bền vững khi không tạo được thu nhập ổn định do không có tay nghề và việc làm ổn định. Cụ thể như TX. Giá Rai, từ năm 2015 - 2017 đã đầu tư hơn 1 tỷ 259 triệu đồng hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo, nhưng chỉ thu hút được 49 hộ nghèo tham gia học nghề!?

Không tạo được việc làm tại địa phương nên phần lớn hộ nghèo đều xa quê để lao động kiếm sống và họ không tạo được khả năng tích lũy để hướng đến giảm nghèo bền vững. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2015 - 2017, toàn tỉnh có 1.858 hộ thoát nghèo, nhưng trong số này chỉ có 65 hộ là có thu nhập khá!?

Từ thực tiễn trên cho thấy, việc đánh giá các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ hộ nghèo cần được xem xét lại và hiệu quả đạt được đến đâu. Giải quyết tốt vấn đề này cũng là việc giúp các hộ nghèo có thêm cơ hội và họ thật sự là những người được hưởng lợi từ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ thay vì ngành quản lý chạy theo kế hoạch, thành tích!? Đồng thời tránh sự lãng phí trong sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa.

Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo ở huyện Hồng Dân. Ảnh: L.D

CẦN LÀM GÌ?

Có thể nói, công tác giảm nghèo được xem là thước đo để đánh giá tốc độ tăng trưởng và niềm tin. Đây cũng là tiền đề để thực hiện mục tiêu xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Với những ý nghĩa, tầm quan trọng đó, các địa phương cần xem công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện tốt đến cuối nhiệm kỳ. Đồng thời, có kế hoạch và xây dựng lại các chiến lược giảm nghèo, thậm chí thay đổi hình thức, mô hình hỗ trợ và kiên quyết nói không với hiện tượng ỷ lại, dựa dẫm và không muốn thoát nghèo. Giảm nghèo phải trang bị và nâng cao cho được ý thức, khát vọng muốn thoát nghèo, biết mặc cảm với cái nghèo, biết tổ chức cuộc sống và nhận thức được nghèo là kém phát triển, là hủy hoại tương lai và cả thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó, thay đổi mô hình đỡ đầu và hỗ trợ, không đầu tư theo kiểu có mô hình, mà đầu tư theo tính hiệu quả. Đầu tư có tập trung, tránh dàn trải, rải đều và chủ nghĩa bình quân. Tăng cường hơn nữa nguồn lực, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho hộ chí thú làm ăn và cả các chính sách hậu giảm nghèo, nhằm chống tái nghèo, đặc biệt là chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ mới thoát nghèo.

Với mục tiêu phấn đấu giảm 4% hộ nghèo trong năm nay thật sự không phải là chuyện dễ làm và khó tránh khỏi tình trạng bệnh thành tích làm cho giảm nghèo thiếu bền vững. Do vậy, các ngành, địa phương cần tập trung nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành điểm sáng về công tác giảm nghèo và xem đây là một trong những tiêu chí tạo nên năng lực cạnh tranh của Bạc Liêu trong bảng xếp hạng tăng trưởng của khu vực ĐBSCL và cả nước.

LƯ DŨNG - HOÀNG LAM

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.