Giáo dục nghề nghiệp: Hiệu quả đến đâu?

Thứ Sáu, 05/04/2019 | 16:14

Bài 1: Bức tranh thiếu những gam màu sáng

Bài 2: Vì sao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tuyển sinh?

Bài cuối: Tháo gỡ “nút thắt” cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Đào tạo nghề sửa chữa máy tính.

Một buổi học về chế biến thủy sản của học viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: H.L

LTS: Những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã có những bước phát triển nhất định, người học sau khi ra trường phần nào đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (TTLĐ). Tuy nhiên, trong bối cảnh TTLĐ thay đổi nhanh chóng, trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất liên tục phát triển và trước xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đang đặt ra vấn đề cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện GDNN theo hướng gắn thị trường lao động và nhu cầu của xã hội.

Thực trạng công tác đào tạo nghề trong suốt thời gian dài cho thấy cái yếu kém đã làm tồn tại hàng loạt bất cập, gây lãng phí tiền của Nhà nước, công sức người học chính là thiếu một tư duy mới trong công tác đào tạo. Công tác đào tạo nặng tính kế hoạch, thiếu tính chiến lược, chưa gắn với thực tiễn, chưa giải quyết nhu cầu của thực tế và chưa tạo được những động lực mới cho phát triển.

LƯỢNG NHIỀU HƠN CHẤT

Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả công tác đào tạo nghề mang lại chưa cao là do công tác đào tạo còn mang nặng tính kế hoạch, chỉ quan tâm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, còn chất lượng, hiệu quả thì gần như chưa được tính đến.

Tổng kết công tác đào tạo nghề hàng năm trên địa bàn tỉnh cho thấy, phần lớn các trường, các địa phương đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu đào tạo, trong khi công tác tuyển sinh luôn gặp khó khăn. Sự mâu thuẫn này lại tồn tại trong rất nhiều năm và vẫn chưa được ngành quản lý quan tâm lý giải! Điểm qua một vài con số để thấy rằng, mâu thuẫn mang tính nội tại này đã tạo nên sức ỳ, làm cho công tác đào tạo chưa xây dựng được một mô hình hoặc một giải pháp đột phá cho công tác đào tạo nghề.

Theo số liệu tổng hợp, năm 2018, toàn tỉnh đào tạo nghề cho hơn 14.100 lao động, đạt 100,8% so với kế hoạch được giao và lao động có việc làm, tự tạo việc làm sau học nghề đạt 82,10%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,10%. Tuy nhiên, con số trên 82% lao động có việc làm sau đào tạo cần được xem lại. Bởi, trên thực tế, tính riêng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2018, Bạc Liêu đã đào tạo và hỗ trợ cho 3.588 lao động học nghề, nhưng số lao động nông thôn sau khi học nghề, có việc làm, trở thành hộ có thu nhập khá trở lên chỉ có… 8 lao động!?

Xuất phát từ việc đào tạo nghề chạy theo kế hoạch, số lượng và chưa gắn với thực tiễn đã làm cho công tác đào tạo nghề không phát huy hiệu quả, không thu hút sự quan tâm của người học và dẫn đến “chảy máu” nguồn nhân lực. Bất cập này đã được chứng minh ở con số giải quyết việc làm hàng năm, mà cụ thể là năm 2018 Bạc Liêu đã giải quyết việc làm mới cho 24.564 người, đạt 136,5% kế hoạch năm. Thế nhưng, lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ có 5.709 người, còn lao động phải đi kiếm sống ngoài tỉnh chiếm trên 18.850 người. Qua đó cho thấy, số lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chưa đến 25%!

Ông Nguyễn Văn Tiền, DNTN Tiền Thủy (TP. Bạc Liêu), cho rằng: “Bạc Liêu hàng năm đào tạo nghề cho nhiều lao động, nhưng địa phương lại luôn luôn thiếu lao động (như doanh nghiệp của tôi). Nghịch lý này cần được ngành quản lý quan tâm và cần gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp”.

Thực trạng trên cho thấy, công tác đào tạo nghề cần phải có chiến lược cụ thể và gắn với nhu cầu của địa phương, nhất là trong điều kiện Bạc Liêu đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao để tham gia vào thực hiện “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, công tác đào tạo nghề ở các cơ sở GDNN phải được chuyển hướng từ kế hoạch sang thị trường, nhằm chủ động cung cấp và phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực tại địa phương.

HƯỚNG NGHIỆP PHẢI TIÊN PHONG

Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo và các cơ sở GDNN “có đất dụng võ”, tránh lãng phí đầu tư, lãng phí chất xám thì giải pháp mang tính căn cơ là thay đổi nhận thức cho lao động. Bởi, phần lớn phụ huynh hiện nay chưa quan tâm đến việc định hướng cho con em đi học nghề mà luôn đặt ra mục tiêu cho con em mình là khi học xong THPT thì tiến thẳng vào đại học, còn học nghề chỉ là con đường cuối cùng theo kiểu “chuột chạy cùng sào”. Quan niệm này dẫn đến một hệ lụy là “thầy nhiều hơn thợ”, trong khi nhu cầu của xã hội thì “cần thợ hơn thầy”. TS. Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, nhận định: “Thực tiễn ở nhiều quốc gia phát triển cho thấy, xã hội cần thợ nhiều hơn thầy; còn chúng ta thì làm ngược lại. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc thất nghiệp hàng loạt sau khi ra trường”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân về học nghề và đào tạo nghề. Theo đó, chương trình tư vấn, hướng nghiệp cần phải đặt lên hàng đầu. Không chỉ tư vấn cho học sinh, mà còn cần phải tư vấn cho phụ huynh, vì phần lớn các em lựa chọn nghề nghiệp theo định hướng của cha mẹ. Và công tác này phải được thực hiện thường xuyên từ khi học sinh còn ngồi trên nghế nhà trường, nhằm hun đúc thêm ước mơ, động lực làm thợ, thay vì làm nhà quản lý.

Bên cạnh đó, cần có một cuộc “thay máu” trong các trường nghề, các cơ sở GDNN, giáo dục thường xuyên hiện nay. Đó là quy hoạch, đổi mới chương trình đào tạo mang tính đón đầu và theo đơn đặt hàng, xem hiệu quả, chất lượng là tiêu chí mang tính tiên quyết. Đồng thời mạnh dạn chuyển đổi hình thức, bỏ mô hình đào tạo theo kiểu “đến hẹn lại lên” mà quan tâm đến tính thời vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đơn cử như trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ tổ chức khi được giải ngân, còn cơ cấu mùa vụ, thời gian đào tạo đó có còn hợp lý hay không… thì gần như chưa quan tâm. Do vậy, dẫn đến nghịch lý là nông dân đã nuôi rồi, thu hoạch xong rồi mới được đào tạo nghề, thay vì phải được trang bị kiến thức trước đó.

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả, công tác đào tạo nghề phải có sự tham gia của doanh nghiệp với chức năng vừa là đơn vị đặt hàng, vừa là đơn vị giải quyết đầu ra sau đào tạo. Đồng thời tranh thủ công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại và mô hình quản lý của doanh nghiệp để cùng tham gia đào tạo nghề, nhất là các nghề cần trình độ, ứng dụng công nghệ cao…

HOÀNG LAM

--------------------------------------

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên của Quốc hội, nhấn mạnh: “Để hoạt động GDNN đạt hiệu quả, Bạc Liêu cần quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Quy hoạch này có ý nghĩa đầu tư về một mối để nâng cao nội lực, tránh tình trạng sáp nhập cơ học. Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược đào tạo ngành nghề phù hợp với địa phương, nhu cầu của người sử dụng lao động trên địa bàn. Cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh và đào tạo; chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cơ sở GDNN để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.