Giáo dục nghề nghiệp: Hiệu quả đến đâu?

Thứ Tư, 03/04/2019 | 16:13

LTS: Những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã có những bước phát triển nhất định, người học sau khi ra trường phần nào đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (TTLĐ). Tuy nhiên, trong bối cảnh TTLĐ thay đổi nhanh chóng, trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất liên tục phát triển và trước xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đang đặt ra vấn đề cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện GDNN theo hướng gắn thị trường lao động và nhu cầu của xã hội.

Bài 1: Bức tranh thiếu những gam màu sáng

Bài 2: Vì sao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tuyển sinh?

Buổi làm việc giữa đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Trường Cao đẳng Nghề Bạc Liêu về thực hiện chính sách GDNN.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV PINETREE (Hàn Quốc) đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: H.L

Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN là việc làm đúng đắn, mang ý nghĩa thiết thực, góp phần đảm bảo nhu cầu học tập thường xuyên, đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cần thiết cho người lao động của tỉnh, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở GDNN rơi vào cảnh khó khăn trong công tác tuyển sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau.

PHÂN LUỒNG CHƯA HIỆU QUẢ

Mặc dù được đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập khá đầy đủ, nhưng hiện nay, nhiều cơ sở GDNN của tỉnh vẫn chật vật trong công tác tuyển sinh. Đơn cử như Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu, trong năm 2018 chỉ tuyển sinh được 7 sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, 4 sinh viên Khoa Kỹ thuật xây dựng (hệ cao đẳng); 7 học viên nghề chế tạo thiết bị cơ khí (hệ trung cấp).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Song, về cơ bản là do việc phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân chưa được thực hiện triệt để. Các trường THPT thiếu chỉ tiêu nên hạ điểm chuẩn, “vét” gần hết số học sinh không đủ điểm sàn trước đó. Các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, nới rộng công tác xét tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Điều này tạo tâm lý cho học sinh thích học đại học, cao đẳng hơn là học nghề. Trong “cuộc đua” này, các trường nghề, các trung tâm GDNN, GDTX không đủ “lực” nên gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh là điều dễ hiểu.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Đào Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu, cho rằng: “Việc tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp ở các trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn là do việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT chưa thành công. Chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo dục phổ thông và GDNN trong việc phân luồng và tuyên truyền hướng nghiệp”.

Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh là “không ai muốn con mình làm thợ”. Khi đề cập đến chuyện cho con đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS vì có nhiều ưu điểm như: rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, khi tốt nghiệp sẽ có hai văn bằng là THPT và bằng nghề, chị Trần Ngọc Ngoan (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) bày tỏ: “Dù thế nào con tôi cũng phải học hết THPT và thi vào đại học để sau này không phải làm việc nặng nhọc”.

Thời gian qua, các cơ sở GDNN có nhiều cách làm khác nhau trong công tác tuyển sinh để thu hút học viên. Song, do quan niệm “trọng thầy, khinh thợ”, xem bằng cấp, tư duy học đại học là con đường duy nhất ở một bộ phận phụ huynh và học sinh đã khiến công tác phân luồng, hướng nghiệp cho các em gặp nhiều khó khăn.

CƠ HỘI VIỆC LÀM THẤP

Học nghề để tìm kiếm cho mình cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống là mong muốn chính đáng của học sinh, sinh viên và người lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ học nghề ra trường có việc làm hiện nay còn rất thấp. Nguyên nhân là do chất lượng công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa tốt, chọn nghề theo phong trào… Công tác đào tạo nghề ở các cơ sở GDNN của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Mặt khác, một số doanh nghiệp ngại tuyển dụng công nhân có tay nghề vì phải trả lương cao hơn lao động phổ thông. Chính vì không tìm được việc làm sau khi học nên không ít phụ huynh và học sinh cân nhắc, e dè khi “đầu quân” vào các trường nghề.

Để giải quyết vấn đề việc làm cho học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp, một số trường cao đẳng, cơ sở GDNN đã ký kết đào tạo với doanh nghiệp để người lao động có tay nghề phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khóa học và đi làm, do đồng lương quá ít, không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều người không còn thiết tha với chuyện học nghề. Bạn Lư Cẩm Tiên (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) bày tỏ: “Với mức lương bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng thì làm sao tôi đủ sống! Học 2 năm trung cấp, ra trường đi làm nhận lương tương đương với lao động phổ thông thì ai còn muốn học nghề nữa! Tôi đi làm tiếp thị cho các công ty mỗi tháng lương cơ bản cũng được 5 triệu đồng, và được thưởng thêm khi đạt doanh số”.

Một nguyên nhân nữa khiến các cơ sở GDNN không thu hút được học viên là nhiều ngành nghề truyền thống đã bão hòa, trong khi các ngành nghề mới, xã hội có nhu cầu thì các trường nghề thiếu nhân lực và nguồn lực để đầu tư, đáp ứng điều kiện bảo đảm cho hoạt động GDNN theo quy định. Theo ông Phạm Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu thì hiện nay, một số ngành nghề của trường không đủ điều kiện để giảng dạy, cụ thể là ngành văn hóa - nghệ thuật. Lý do là đội ngũ giáo viên thiếu chứng chỉ nghề theo quy định. Ngoài ra, hoạt động GDNN gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nguồn lực đầu tư thiết bị đào tạo. Số lượng giáo viên, giảng viên cơ hữu đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành nghề đào tạo, nhưng cơ sở GDNN phải tinh gọn bộ máy, biên chế.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng nhu cầu của xã hội, những bất cập trong công tác tuyển sinh, đào tạo ở các cơ sở GDNN cần phải có giải pháp để tháo gỡ.

HOÀNG LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.