Giáo dục nghề nghiệp: Hiệu quả đến đâu?

Thứ Hai, 01/04/2019 | 16:37

Bài 1: Bức tranh thiếu những gam màu sáng

LTS: Những năm qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã có những bước phát triển nhất định, người học sau khi ra trường phần nào đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (TTLĐ). Tuy nhiên, trong bối cảnh TTLĐ thay đổi nhanh chóng, trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất liên tục phát triển và trước xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đang đặt ra vấn đề cần phải đổi mới cơ bản và toàn diện GDNN theo hướng gắn thị trường lao động và nhu cầu của xã hội.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Lợi.

Học viên lớp đào tạo nghề may công nghiệp dưới 3 tháng. Ảnh: H.L

Tuyển sinh khó khăn, người học vẫn còn lúng túng trong việc chọn nghề; việc đào tạo chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp… Đó là những bất cập phản ánh bức tranh chung về công tác đào tạo GDNN của Bạc Liêu hiện nay.

CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI

Toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở GDNN. Từ năm 2015 đến nay, các cơ sở GDNN đã đào tạo cho 53.562 người với các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, điện công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật sửa chữa ô tô, may công nghiệp… Trong đó, đào tạo ở trình độ cao đẳng là 2.708 sinh viên, trung cấp 5.598 học sinh, sơ cấp 6.679 học viên, dạy nghề dưới 3 tháng là 38.577 người. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi nguồn nhân lực của tỉnh ít nhiều đã có một trình độ kiến thức nhất định về nghề nghiệp.

Tuy nhiên, những con số trên cũng cho thấy cơ cấu tuyển sinh trong thời gian qua ở các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh còn bất cập, chủ yếu là tập trung ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Từ đây, vấn đề đặt ra là liệu những lao động được đào tạo ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng có đáp ứng được yêu cầu công việc khi được tuyển dụng? Trong khi nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư xây dựng cơ bản cho các cơ sở GDNN từ năm 2015 đến nay là 40,45 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ so với điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bạc Liêu.

Những trăn trở, băn khoăn về hiệu quả xã hội từ công tác đào tạo nghề ở các cơ sở GDNN đã được giải đáp tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về GDNN. Với tư cách là thành viên được tham dự buổi làm việc, đại diện Công ty TNHH MTV PINETREE (Hàn Quốc) đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi đã phản hồi với đoàn giám sát của Quốc hội và UBND tỉnh về chất lượng lao động. Do nhu cầu sử dụng lao động nên đơn vị đã đặt hàng một số cơ sở GDNN của tỉnh đào tạo nghề may công nghiệp dưới 3 tháng, nhưng khi công ty kiểm tra đánh giá chất lượng tay nghề thì tỷ lệ lao động được đào tạo chỉ đáp ứng khoảng từ 30 - 40%. Nói là đạt, nhưng khi tuyển dụng số lao động này vào làm việc thì công ty bắt buộc phải đưa đi đào tạo lại do tay nghề yếu, không sử dụng được một số máy móc chuyên dụng của nghề may. Hiện nay, công ty đang cần 1.800 công nhân, đặc biệt là công nhân nữ, nhưng thực sự rất lo lắng về tay nghề.

Qua đó cho thấy, mặc dù chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN đã được cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở GDNN với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động còn lỏng lẻo.

Bạc Liêu có mạng lưới cơ sở dạy nghề cơ bản bao phủ khắp tỉnh, song lại thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động bởi các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc do khan hiếm lao động trong một số ngành nghề. Ông Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội, cho rằng: “Cốt lõi của hoạt động GDNN là đào tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội. Vì vậy, các cơ sở GDNN của tỉnh cần đánh giá sâu sát hiệu quả sau khi đào tạo nghề như: tỷ lệ lao động có việc làm, trình độ lao động có đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không?”.

CHẬT VẬT TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH

Từ khi Luật GDNN có hiệu lực (1/7/2015), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH triển khai thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo, gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật có tay nghề cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN. Tuy vậy, các cơ sở GNDN của tỉnh đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, mà trước hết là công tác tuyển sinh.

Đơn cử như Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Lợi, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ có 6 thí sinh dự thi chính thức. Điều đó đồng nghĩa với việc một giáo viên dạy văn hóa của trung tâm chỉ dạy 6 học sinh/năm học. Bà Trần Thị Hoa Ry (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội đã thẳng thắn trao đổi: “Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực như vậy nhưng đào tạo quá ít học viên, gây lãng phí ngân sách nhà nước”.

Bộ máy của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Lợi có 1 giám đốc, 2 phó giám đốc, 1 tổ dạy nghề, 1 tổ dạy văn hóa và 1 tổ hành chính - giáo vụ, tương đương với 18 cán bộ, viên chức. Ước tính mỗi năm, nguồn ngân sách nhà nước phải cấp cho trung tâm trên 1 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là có cần thiết phải duy trì các cơ sở GDNN - GDTX không hiệu quả trong công tác đào tạo?

Thực tế không riêng gì Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Lợi, mà hầu hết các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang gặp phải những khó khăn, bất cập trong công tác tuyển sinh. Trong khi các trường đại học đang chạy đua trong mùa tuyển sinh, thì các trường nghề, mùa tuyển sinh năm nào cũng phải đau đầu vì thiếu chỉ tiêu, có trường lượng đầu vào của một số ngành nghề quá thấp, chỉ có vài học sinh đăng ký học. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay và là một trong những vấn đề bức thiết của xã hội.

HOÀNG LAM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.