Đưa Chỉ thị 19 của Ban Bí thư đi vào đời sống đồng bào Khmer

Thứ Tư, 24/10/2018 | 16:20

Thời gian gần đây, Ban Dân tộc tỉnh liên tục mở cao điểm tuyên truyền, đưa Chỉ thị 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc (ĐBDT) Khmer trong tình hình mới đi vào đời sống. Chỉ thị đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm đưa vùng ĐBDT Khmer phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Quang cảnh triển khai Chỉ thị 19 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới tại TX. Giá Rai.

NHẬN DIỆN NHỮNG HẠN CHẾ

Chỉ thị đánh giá, 25 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư khóa VI về công tác ở vùng ĐBDT Khmer và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vùng ĐBDT Khmer được quan tâm. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người Khmer được chú trọng, số lượng cán bộ, đảng viên chủ chốt là dân tộc Khmer tăng lên. Khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào Khmer đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chỉ thị cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác ở vùng ĐBDT Khmer vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi còn chậm. Một số chế độ, chính sách đối với vùng ĐBDT Khmer còn bất cập, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi. Đời sống của một bộ phận ĐBDT Khmer còn nhiều khó khăn. Vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao, tái mù chữ có chiều hướng gia tăng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là dân tộc Khmer vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng…

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đối với vùng ĐBDT Khmer. Nguồn lực đầu tư cho vùng ĐBDT Khmer còn hạn chế; công tác chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer chưa được quan tâm đúng mức... 

Lễ khởi công xây nhà tình thương cho đồng bào Khmer huyện Phước Long, do Ban Dân tộc tỉnh vận động trao tặng. Ảnh: T.Đ

NHIỀU NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời để vùng ĐBDT Khmer được phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt 7 nhiệm vụ quan trọng. Đó là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với ĐBDT Khmer. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, thực hiện đề án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các xã biên giới, nhất là vùng có đông ĐBDT Khmer sinh sống. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu; giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào, đảm bảo định canh, định cư và giảm nghèo bền vững.

Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xóa mù chữ cho đồng bào Khmer. Đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở y tế xã, đội ngũ y, bác sĩ, y tá là người Khmer. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế và các chương trình y tế quốc gia vùng ĐBDT Khmer. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng Khmer trong các chương trình phát thanh, truyền hình; quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer; duy trì, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Quan tâm bảo vệ di sản văn hóa chùa chiền dân tộc Khmer, kết hợp với việc xây dựng nhà văn hóa trong vùng đồng bào Khmer; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sửa chữa, trùng tu chùa chiền cho ĐBDT Khmer. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức sắc, phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Ban quản lý chùa và người có uy tín trong ĐBDT Khmer đối với công tác vận động đồng bào. Hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông; xây dựng nhà hành lễ và nhà hỏa táng hiện đại cho đồng bào Khmer. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sư sãi tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer.

Thực hiện tốt công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng ĐBDT Khmer. Bố trí hợp lý giữa cán bộ dân tộc Khmer với cán bộ dân tộc khác phù hợp đặc điểm của từng địa phương. Chú trọng phát triển Đảng, đoàn viên, hội viên trong vùng ĐBDT Khmer. Chăm lo xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người uy tín, sư sãi tiêu biểu trong ĐBDT Khmer và các chức sắc tôn giáo…

Đối với tỉnh Bạc Liêu, ông Trần Hoàng Duyên - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả các sở, ban ngành tỉnh và Phòng Dân tộc các huyện, thị xã, thành phố. Song song đó, Ban Dan tộc tỉnh tổ chức triển khai đến hơn 100 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, sư sãi, Ban quản trị các chùa Khmer cùng người dân ở 10 xã và 41 ấp có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển. Tại các địa bàn khó khăn, cùng với việc triển khai Chỉ thị, Ban Dân tộc tỉnh đã vận động mạnh thường quân trao tặng gần 10 tấn gạo cho đồng bào Khmer nghèo. Công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt. Đồng bào dân tộc có ý thức chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các dân tộc đoàn kết thống nhất, tương thân tương ái, giúp nhau cùng phát triển...

Ngoài những chương trình, dự án, chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phát triển, vươn lên thoát nghèo bền vững, trong 9 tháng của năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng 55 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá từ 32 - 40 triệu đồng), góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo an tâm sản xuất, lao động, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Hiện tại đã khởi công xây dựng 55 căn nhà tình thương và nghiệm thu, bàn giao 39 căn.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn lực từ Trung ương, lồng ghép từ các chương trình, dự án… nhằm thực hiện một cách hiệu quả nhất các chính sách dân tộc.

TẤN ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.