Cải cách hành chính trong Đảng - Góc nhìn từ cơ sở

Thứ Hai, 08/10/2018 | 16:48

LTS: Liên tiếp trong 2 nghị quyết quan trọng về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII), Đảng đã nhấn mạnh đến giải pháp “cải cách hành chính (CCHC) trong Đảng” trong nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Có thể nói, CCHC trong Đảng chính là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Nhìn từ góc độ cơ sở, CCHC trong Đảng có rất nhiều việc phải làm, không chỉ là đổi mới những thủ tục rườm rà, những quy trình cứng nhắc mang tính hình thức mà còn là đổi mới cả tư duy, phương thức lãnh đạo để làm tốt và hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Đảng ở tất cả các mặt.

Bài 1: Rườm rà đoạn đường nghị quyết đi vào cuộc sống

Với câu hỏi “trong vấn đề CCHC trong Đảng, điều gì cần quan tâm?”, chúng tôi đặt ra cho nhiều cán bộ lãnh đạo cấp ủy cơ sở để tìm một góc nhìn khách quan và thực tiễn về vấn đề quan trọng này. Và nhiều câu trả lời được tập trung vào vấn đề cải cách thủ tục trong công tác xây dựng và ban hành văn kiện của cấp ủy các cấp!

Nghị quyết chồng nghị quyết

Khi một chủ trương, nghị quyết ra đời, kéo theo sẽ có nhiều kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền được ban hành theo. Và sau đó, từ tỉnh đến cấp cơ sở sẽ có kế hoạch tổ chức quán triệt nghị quyết của Trung ương, tùy vào điều kiện thực tiễn mà có thời gian và hình thức học tập, quán triệt phù hợp.

Cần phải nhìn nhận rằng, trong thời gian qua, việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được tổ chức một cách nghiêm túc với sự tham gia của đông đảo đảng viên ở các tổ chức, loại hình cơ sở đảng. Hình thức viết bài thu hoạch cũng đổi mới, góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc triển khai thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi tổ chức rầm rộ các đợt học tập, quán triệt, việc cụ thể hóa, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thì không phải lúc nào cũng được sôi nổi và hiệu quả cao. Ngoài những nghị quyết mang tầm quan trọng và có ảnh hưởng sâu sắc đến công tác xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) thì nhiều nghị quyết gần như chỉ đọng lại trong trí nhớ của các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện. Một phần do quá nhiều nghị quyết, chỉ thị được ban hành, từ Trung ương, tỉnh, huyện, cấp nào cũng có vài nghị quyết được xây dựng mỗi năm; một phần do thời gian triển khai nghị quyết xuống cơ sở kéo dài khá nhiều. Có cấp ủy chưa xây dựng xong chương trình hành động của nghị quyết trước thì nghị quyết sau đã được ban hành, cùng với nội dung đôi khi chưa được cấp ủy cấp trên trực tiếp cụ thể hóa gắn với thực tiễn địa phương nên cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng, không thực hiện một cách sát sao và thực chất.

Quang cảnh một buổi hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương do Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức. Ảnh: L.A

Nặng tính hình thức trong triển khai nghị quyết

Nhiều năm làm công tác tuyên giáo, đồng chí Võ Văn Sáu - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Lợi cho biết trên thực tế, nhiều chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết được cấp ủy cơ sở sao chép từ nghị quyết xuống gần như nguyên văn, chỉ thay đổi về thời gian, địa điểm, không mang tính thực tiễn của địa phương. Có cấp ủy xã còn đưa luôn vào nội dung chỉ đạo các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về nghị quyết! Điều này đã làm cho việc triển khai thực hiện nghị quyết hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng đưa những chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống một cách sinh động và hiệu quả.

Ở một góc nhìn khác, đồng chí Trần Minh Tùng - Bí thư Đảng ủy thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) cho biết các nghị quyết triển khai về đều đòi hỏi phải có kế hoạch, hoặc chương trình hành động dù những văn bản này đôi khi không khác với nội dung nghị quyết là mấy. Nhưng nếu không xây dựng thì không được xem như đã quán triệt, triển khai. Tuy nhiên, văn bản khi đã xây dựng xong và được thông qua không có nghĩa là nó đi vào đời sống thực tế của địa phương. Bởi thực tế cơ sở là nơi phải thực hiện tất cả các chủ trương của cấp trên nên có rất nhiều công việc phải làm, không chỉ tập trung cho việc triển khai chỉ thị, nghị quyết, đặc biệt là với những nghị quyết không gắn nhiều với điều kiện thực tiễn của cơ sở đó!

Đoàn công tác của Hội đồng lý luận Trung ương khi đến khảo sát tại tỉnh Bạc Liêu cũng đặt vấn đề: việc quá nhiều nghị quyết của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương được ban hành, khi triển khai có đảm bảo hiệu quả hay không? Câu trả lời nhận được là dù luôn đảm bảo tính nghiêm túc và triển khai rộng rãi đến cán bộ, đảng viên nhưng chiều sâu trong thực hiện thì không được như mong muốn!

Để chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào đời sống, vì thế cần rất nhiều sự đổi mới. Tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) bế mạc ngày 12/3/2016, đã thống nhất: “...không nhất thiết phải ban hành nhiều nghị quyết; nghị quyết phải bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung thiết thực, có giải pháp khả thi và xác định thời gian thực hiện”. Đây được xem là sự đổi mới quan trọng trong việc định hướng xây dựng nghị quyết của các tổ chức cơ sở đảng. Bên cạnh đó, việc triển khai nghị quyết cũng cần phải được cụ thể hóa sát với điều kiện thực tiễn, không thể để diễn ra tình trạng nghị quyết nào cũng có chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nhưng cuối cùng lại chẳng phát huy hiệu quả gì trong cuộc sống.

...............................................................................................................................................................................................................................

Thực tế trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong Đảng đã được các cấp ủy tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định: công tác xây dựng và ban hành văn bản lãnh đạo của Đảng từng bước được chuẩn hóa góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; các TTHC ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, được công khai, minh bạch; TTHC được rà soát, sửa đổi, bãi bỏ theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, công tác cải cách TTHC trong Đảng cũng còn nhiều hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra như: Quy trình, thủ tục ban hành văn bản ở một số lĩnh vực chưa bảo đảm tính khoa học, chưa có sự thống nhất; tiến độ rà soát xây dựng TTHC của các cơ quan khối Đảng còn chậm; các TTHC trong việc xin ý kiến của cấp ủy chưa rõ, việc hiểu và thực hiện không nhất quán; chưa xác định rõ nội dung, yêu cầu của từng loại TTHC trong hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, trong việc quyết định các vấn đề quan trọng. Việc cụ thể hóa những quy định, hướng dẫn của Trung ương vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cấp ủy còn chậm. Công tác quản lý và khai thác hồ sơ đảng viên, tổ chức Đảng trong nhiều tổ chức Đảng chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, cập nhật, bổ sung.

(Thạc sĩ Lê Hoàng Trang - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

...............................................................................................................................................................................................................................

Lâm Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.