Câu chuyện tòa án

Đám tang thành đám đánh nhau, nhiều người đi tù

Thứ Tư, 17/08/2022 | 17:07

Cách đây hơn 2 năm, trên địa bàn huyện Đông Hải đã xảy ra một vụ án rúng động dư luận, khi mà 2 gia đình hàng xóm láng giềng đánh nhau như trên phim chỉ vì ngăn cản đám đưa tang qua phần đất đang tranh chấp.

Vụ án đã khép lại với 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm tại phiên tòa hồi tháng 5/2022 và mới đây là vào ngày 16/8/2022. Tuy nhiên, bài học từ vụ việc trên vẫn cứ đau đáu, vì những xử sự giữa người với người, giá trị của tình làng nghĩa xóm, thậm chí là việc giáo dục con cái…

Người chết không yên

Vào khoảng 8 giờ 30 phút, ngày 12/4/2020, tại ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải), các bị cáo gồm: Lưu Minh Tới, Lưu Văn Tấn, Lưu Văn Tuấn, Trần Quốc Toàn, Phạm Minh Sự và Phạm Văn Diệp tham gia đoàn đưa đám tang bà Phạm Thị Đẹp (vợ ông Thành) đi chôn cất. Do trời mưa, đường đi dự kiến đưa quan tài bị trơn trượt khó đi, nên ông Thành và gia đình quyết định chuyển sang đi ngang phần đất nền nhà đang tranh chấp với gia đình ông Đặng Văn Minh mà không được sự đồng ý của gia đình ông Minh. Mặc dù đã biết và thấy rõ thái độ ngăn cản quyết liệt của gia đình ông Minh và những người thân của ông Minh không cho khiêng quan tài đi qua phần đất nền nhà tranh chấp, thế nhưng đoàn đưa đám tang vẫn đi qua, dẫn đến một cuộc ẩu đả giữa hai bên, gây mất an ninh trật tự và náo loạn cả một vùng quê.

Phiên tòa phúc thẩm hình sự của Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” này với 6 bị cáo. Trong đó, chỉ có 1 bị cáo là người trong gia đình của ông Nguyễn Văn Thành (một trong hai bên tranh chấp đất). Còn lại 5 bị cáo chỉ là người quen, hàng xóm, bà con của ông Thành đi theo đám đưa tang. Thế nhưng, khi nghe nói có nhóm người đang ngăn cản không cho đám đưa tang đi qua phần đất tranh chấp, dù không liên quan, 5 bị cáo này vẫn lựa chọn cách cùng tham gia đánh nhau.

Sáu bị cáo trong vụ án tại phiên tòa hình sự phúc thẩm ngày 16/8 tại Tòa án nhân dân tỉnh. Ảnh: K.P

Thương tổn từ nhiều phía

Về phía bị hại, gia đình ông Đặng Văn Minh, gồm ông Minh, bà Trần Thị Mai, anh Đặng Hoàng Kiếm, Đặng Thanh Tuyền, Nguyễn Văn Linh, chị Trương Thùy Linh, Đặng Cẩm Tiên và em Đặng Yến Tây (SN 16/5/2006) cùng cầm gậy gộc để chờ sẵn, với ý thức sẽ “quyết chiến” với bên kia nếu xâm phạm phần đất đang tranh chấp. Đáng buồn hơn, vụ việc của người lớn, nhưng em Yến Tây, lúc sự việc xảy ra chỉ hơn 13 tuổi cũng bị lôi kéo tham gia. Tại phiên tòa, khi được chủ tọa hỏi “vì sao em lại tham gia vào vụ việc, không sợ hay sao”, Yến Tây lí nhí trả lời: “Dạ con không biết. Thấy gia đình cả nhà đều ra thì đi theo. Sau đó thì bị đánh”. Dù đúng dù sai, nhưng việc những người lớn trong gia đình để Yến Tây tham gia vụ việc chỉ gây tổn thương cho em - một đứa trẻ ở tuổi vị thành niên, thật sự không đáng. May là em Yến Tây bị thương tích nhẹ.

Việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực sẽ chẳng dẫn đến kết cục nào tốt đẹp, bởi bạo lực luôn sẽ trả giá bằng bạo lực. Sự lựa chọn giải pháp nào cho các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên, rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào nhận thức của từng người, mà còn do ảnh hưởng từ giáo dục của gia đình. Nhiều phiên tòa gần đây đều xét xử những vụ án, mà các đối tượng (cả hai bên bị cáo và bị hại) đều sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Bằng chứng là với vụ án này, 6 người trong gia đình em Yến Tây đều bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe, tinh thần, mất thu nhập vì thời gian phải “đáo tụng đình”, phải điều trị thương tích. Còn các bị cáo thì phải bồi thường tiền cho người bị hại, phải dính líu đến các cơ quan pháp luật, cuối cùng là phải nhận lĩnh những bản án tù và cả lý lịch tư pháp với tiền án sau này.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.