Câu chuyện tòa án

Chuyện “mặc cả” ở tòa

Thứ Sáu, 15/05/2015 | 14:26

Không phải là tất cả, nhưng trong nhiều vụ án, phần phải mặc cả tới lui, “nâng lên hạ xuống” chính là phần bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại…

Mất đi một người thân dù với lý do gì, đó cũng là nỗi đau khó bù đắp. Nếu sự mất mát đó lại không do tự nhiên mà do kẻ khác tước đoạt thì nỗi đau sẽ tăng gấp nhiều lần. Pháp luật hình sự có quy định, đơn bãi nại hoặc yêu cầu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo chính là một tình tiết giảm nhẹ quan trọng trong lượng hình. Từ đó, việc “mặc cả” mức bồi thường để nhận được giấy bãi nại của gia đình người bị hại luôn là “mục tiêu phấn đấu” của bị cáo. Và cũng biết rõ điều này, hiện nay, trong các vụ án chết người, không hiếm các gia đình các nạn nhân quá quan tâm đến vấn đề bồi thường, và mức bồi thường được đưa ra luôn rất cao. Có trường hợp, quá căng thẳng ở phần đòi bồi thường giữa gia đình bị cáo và bị hại dẫn đến cãi vã, xô xát nhau bên ngoài phiên tòa…

Ở các vụ án hiếp dâm, nhất là hiếp dâm trẻ em, điều đau xót chính là những nạn nhân bé nhỏ, chưa đủ nhận thức để hiểu kẻ phạm tội đã làm gì mình ngoài sự hoảng sợ vì bị người lớn xâm hại. Những thiệt hại về tinh thần, hậu quả sẽ theo các em về lâu về dài đến cả khi trưởng thành… Những thứ đó làm sao có thể tính được bằng tiền. Thế nhưng tại tòa, người nhà của các bị hại không phải ai cũng nhận ra điều đó. Không ít trường hợp, họ chỉ quan tâm “mặc cả” mức bồi thường tổn thất tinh thần như thế nào. Thậm chí có trường hợp bị cáo còn cho rằng, “chưa làm được gì, sao lại phải bồi thường…”.

Không chỉ ở các phiên tòa hình sự, ngay cả phiên tòa ly hôn, chuyện mặc cả tiền cấp dưỡng nuôi con cũng khiến nhiều người cảm thấy bất nhẫn. Là con chung, nhưng khi “đường ai nấy đi” thì người không nuôi con lại bắt đầu tính toán, “cò kè bớt một thêm hai” vì không muốn đưa tiền cho đối phương. “Chia” con xong, thì quay sang tính toán, chia đôi từng cái chén, cái xoong, cái tủ... cho bỏ tức, bỏ ghét. Có người chồng dứt khoát không chịu cấp dưỡng cho con, anh ta nại ra lý do, nếu tòa cho mình nuôi con thì sẽ nuôi, còn cho vợ quyền nuôi con thì không cấp dưỡng. Không biết các bậc phụ huynh ấy có bao giờ nghĩ tới sự tổn thương của con mình khi chứng kiến việc mặc cả của cha mẹ về nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái hay không?!

Pháp luật quy định mức bồi thường thiệt hại, bồi thường tổn thất tinh thần, yêu cầu cấp dưỡng… với mục đích có thể giúp giảm nhẹ tổn thất cho gia đình và bản thân người bị hại về mặt kinh tế cũng như thể hiện thiện chí của bị cáo, người phạm tội ăn năn, hối hận về hành vi mà mình vô ý hoặc cố ý gây ra. Ý nghĩa xã hội của quy định là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi các bên lại quên mất điều này!

Kim Tuấn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.