Câu chuyện tòa án

Chuyện bé xé ra to

Thứ Sáu, 06/04/2018 | 16:44

Xã hội dù ở thời đại nào, thì với rất nhiều người, uy tín, danh dự còn quan trọng hơn cả mạng sống. Đó là cái mà người ta còn để lại với đời, cho con cháu, là tài sản vô hình. Bởi vậy, đôi khi chỉ vì một cục tức, người ta sẵn sàng “sanh tử” với nhau. Nhiều người chấp nhận bỏ bạc trăm, bạc triệu ra để đòi lại danh dự cho mình, cho gia đình.

KIỆN CHO BỎ... GHÉT

Chị T.K.T đi kiện một công ty tài chính để đòi số tiền hơn 4.000 đồng. Để thụ lý vụ kiện, chị phải đóng án phí vài trăm ngàn. Nhưng nghe đâu chị còn nói, tốn bao nhiêu tiền, tui cũng kiện tới nơi tới chốn.

Trong một vụ kiện khác, mà những nhân vật chính trong câu chuyện xin được giấu tên. Hai vợ chồng ông A. kiên quyết đi kiện người phụ nữ nói xấu gia đình mình. Cũng trong vụ việc này ở giai đoạn hòa giải, tại buổi xin lỗi công khai ở cơ sở, để thu hút thêm nhiều người dân đến dự nghe, vợ chồng ông A. còn sẵn sàng trả tiền (gọi là chi phí mất thu nhập cho buổi lên nghe xin lỗi công khai) mỗi người một số tiền nhất định.

Chị T.K.T thì bức xúc vì bị một đơn vị cho vay tiêu dùng tín chấp gây khó dễ. Chị T.K.T trình bày, chị vay để mua điện thoại, tháng 3/2018, chị được thông báo phải thanh toán khoản tiền là 479.020 đồng. Chị đã đóng đúng hạn 479.000 đồng, tuy nhiên sau đó, phía công ty cho vay tài chính này gây khó dễ, liên tục điện thoại yêu cầu chị phải đóng đủ 20 đồng, nếu không sẽ phạt vì chưa đóng đủ tiền. Quá bức xúc, chị T. quyết định đi đóng tiền và yêu cầu phía bên cho vay phải thu 20 đồng, thối lại cho chị khoản tiền thừa. Tuy nhiên, công ty cho vay tài chính lại không thể thối được khoản tiền thừa. Vậy là chị T. kiện ra tòa. Chị T. nói, câu chuyện 20 đồng không còn là chuyện tiền, mà là cách xử sự của một công ty tài chính với người dân. Giờ chị kiện tới đâu cũng kiện, cho biết người biết ta.

KHI TIỀN KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC MÂU THUẪN

Còn câu chuyện của vợ chồng ông A., chỉ vỉ một câu nói lỡ lời trong một cuộc nhậu, bà B. đã xúc phạm uy tín, danh dự của vợ chồng ông A. khi nói rằng, ông A. bị vợ “cắm sừng”. Để khôi phục danh dự, uy tín cho gia đình, vợ chồng ông A. chăm chỉ đi kiện. Từ chính quyền cấp cơ sở đến tòa án, nhất định phải đòi cho được danh dự, buộc bà B. phải xin lỗi công khai nhiều lần. Để có thể theo đuổi vụ kiện đến cuối cùng, vợ chồng đương sự đã thuê luật sư để hỗ trợ tư vấn cho mình với mức giá 20 triệu đồng, trong khi việc yêu cầu bồi thường danh dự chỉ cần 1 đồng.

Ở những vụ kiện như thế này, tiền không còn là vấn đề quan trọng. Những đương sự trong các vụ kiện này, khi tiếp xúc với họ, mới nhận thấy rằng, lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Và một điều rất đáng để quan tâm, chính là khâu hòa giải ở cơ sở đã thực hiện không đến nơi đến chốn. Thậm chí, nhiều vụ án hình sự, động tay động chân với nhau cũng chỉ vì những “chuyện bé xé ra to”. Hàng xóm láng giềng vì một lời nói khích, vì một hiểu lầm nhỏ nhưng không kịp thời hóa giải, sẽ trở thành những điểm nóng về an ninh trật tự. Không ít trong đó trở thành những vụ án hình sự đau lòng.

Luật có quy định về vấn đề đòi bồi thường thiệt hại khi uy tín, danh dự bị xâm hại. Nhưng không phải ai cũng thích lựa chọn con đường kiện đòi bồi thường thiệt hại khi uy tín, danh dự bị xâm hại. Nhiều người chọn con đường vi phạm pháp luật, sử dụng vũ lực để “tính sổ” với nhau khi bị nói xấu, bị xúc phạm danh dự. Ngược lại, cũng có những người, vì ghét nhau nên tìm cách kiện thưa chỉ một tấc đất, một cây dừa.

Những nhân vật trong câu chuyện này, tuy làm một chuyện không giống ai, nhưng rõ ràng, họ đã và đang sử dụng đúng quyền mà pháp luật trao cho họ. Quyền khởi kiện khi cảm thấy bị xâm hại về quyền lợi, uy tín, danh dự… Đó cũng là điều đáng mừng khi xã hội chúng ta đang tiến dần lên một nhà nước pháp quyền.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.