Câu chuyện tòa án

Cạn nguồn yêu thương

Thứ Sáu, 05/09/2014 | 16:03

Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi chuyện yêu thương, thù ghét. Có khi chỉ ghét vu vơ kiểu như bắt gặp ai đó ăn mặc quá hớ hênh ngoài đường, một lời nói đùa vô duyên. Hay với những cuộc tình trắc trở, dở dang, cũng lắm lúc con người ta từ “không thể sống thiếu nhau” lại hóa thành kẻ thù… Đó là lúc, suối nguồn yêu thương đã khô cạn.

Một khi nguồn cảm xúc yêu thương đã cạn, tình cảm dành cho nhau không còn thì người ta thường không muốn nhìn mặt nhau, bởi quá “hiểu” người kia ở những khía cạnh không mấy tốt đẹp. Và đáng buồn hơn, các kết thúc không có hậu theo kiểu ghét nhau này thường xuất phát từ trong những gia đình, giữa những người đã từng có thời chung sống, gần gũi gắn bó với nhau.

Đứng trước một đám cưới, ai cũng muốn chúc phúc cho cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc, dù thực tế chỉ cần vài mươi năm hạnh phúc với nhau đã là quá đủ đối với nhiều người. Nhưng ở những phiên tòa xử các vụ án ly hôn, người ta lại muốn nhanh chóng được “tách rời” nhau ra, được khỏi phải nhìn mặt nhau mỗi ngày. Thậm chí có nhiều người, khi được hỏi trước đây anh (chị) đã quen nhau ra sao, có yêu nhau không thì họ đều im lặng. Ngược lại, câu cửa miệng quen thuộc là: “Chẳng biết vì sao ngày xưa tôi lại lấy anh ta (chị ta)”. Và những mặt tích cực, tốt đẹp không thấy ai nhắc đến mà chỉ toàn thấy kể tội nhau. Các thư ký tòa án thường rất… ngán khi phải lấy lời khai trong những vụ án ly hôn, vì khi đó, tất tần tật những chuyện lớn nhỏ trong gia đình đều được hai bên thi nhau kể, hòng để vạch tội nhau…

Tôi đã gặp nhiều bà nội, bà ngoại với tất cả sự tất tả của một người bà, thường là ở bên lề của phiên tòa ly hôn, đi theo con trai hoặc con gái và chăm những đứa cháu - kết quả của các cuộc hôn nhân sắp đổ vỡ kia. Những người bà, người mẹ ấy, chẳng có vẻ gì quan tâm đến phiên tòa, chỉ than thở như tự trách mình và xót xa khi nhìn những đứa cháu. Mà không ít lâu nữa thôi, rất có thể, dù còn đủ cha đủ mẹ, nhưng chúng cũng sẽ như mồ côi. Những cặp vợ chồng đang đứng trước tòa kia, phần nhiều trong đó, đều đã từng yêu thương, gắn bó và mong muốn được chung sống với nhau. Họ khác với thời cha mẹ của mình, những người của ngày xưa cũ, không yêu đương, chỉ lấy nhau theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, vậy mà đều sống với nhau trọn cuộc đời, con đàn cháu đống.

Tôi không muốn kể nhiều quá những câu chuyện buồn, mảng khác màu ở những phiên tòa mà người ta đã cạn mất niềm tin, sự tha thứ, tình yêu thương nhau. Nhưng đôi lúc, những chuyện như thế cứ quấn lấy mình, níu kéo để rồi sau mỗi phiên tòa, tôi lại tự hỏi lòng: Người ta ghét nhau để làm gì? Hãy biết tha thứ nếu còn yêu thương nhau, hãy quên những gì cần quên và hãy yêu thương nhau đi khi chưa quá muộn. Đó là điệp khúc được nhiều người, đặc biệt là các nhà tâm lý, các chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình hay nhắc nhở người trong cuộc. Nghe thì có vẻ giáo điều, nhiều người gạt phắt đi. Thế nhưng, nếu có dịp đến các phiên tòa, thấy sự chia lìa, thấy nỗi đau của những người bà, người ông, những đứa trẻ bơ vơ không muốn mất cha hay mất mẹ, mới cảm nhận được hết sự mất mát của những phiên tòa ly hôn.

Mỗi khi cuộc sống gặp những khó khăn, trục trặc, thông thường người ta hay nghĩ đến những sự việc mà họ gán cho là nguyên nhân của những khó khăn kia, rồi đâm ra bực mình, căm ghét nhau. Để rồi đến nỗi tự mình làm mất đi suối nguồn yêu thương, làm con người trở nên chai sạn, không biết tha thứ, sẻ chia.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.