An toàn giao thông

Chấn chỉnh tình trạng Học sinh vi phạm Luật Giao thông: Cần thêm trách nhiệm từ gia đình

Thứ Hai, 31/10/2022 | 16:06

Tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông hiện nay diễn ra khá phổ biến. Điển hình là việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang, đùa giỡn, “kè” xe trên đường… Để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài việc tăng cường quản lý của nhà trường và lực lượng chức năng thì rất cần sự phối hợp của gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn con em mình.

Cảnh sát giao thông TX. Giá Rai kiểm tra học sinh điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông. Ảnh: T.H

Nhiều vi phạm

Vào giờ tan học, nếu quan sát tại các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh vi phạm các quy định về trật tự (TT) an toàn giao thông (ATGT). Trong khi các em học sinh THCS chủ yếu là điều khiển xe đạp đi ngược chiều, tụ thành nhóm đùa giỡn dưới lòng đường, không đội mũ bảo hiểm khi phụ huynh đưa rước thì học sinh THPT lại vi phạm các quy định về độ tuổi, điều kiện điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Bên cạnh đó, còn có các trường hợp chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu.

Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. Cụ thể, đối với loại xe này, người điều khiển phương tiện phải có Giấy phép lái xe hạng A1. Ðiều này đồng nghĩa với việc đa phần học sinh đang học ở cấp THPT chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp Giấy phép lái xe trên 50cm3.

Mặc dù vậy, thời gian qua, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn vẫn diễn ra khá phổ biến ở các trường THPT trên địa bàn. Trong khi vào đầu năm học, quy định này đã được nhà trường thông báo, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, theo lý giải của một số phụ huynh, do nhà chỉ có một chiếc xe làm phương tiện đi lại chung, hoặc cha mẹ bận đi làm không thể đưa rước nên đành phải giao xe cho con em tự điều khiển đi học.

Còn về phía nhà trường, hầu hết đều bày tỏ quan điểm đặc biệt quan tâm, xem trọng công tác đảm bảo ATGT cho học sinh và không chấp nhận chuyện học sinh vi phạm Luật Giao thông nói chung, bao gồm điều khiển xe máy phân khối lớn khi chưa đáp ứng đủ các yêu cầu pháp luật đặt ra. Nhưng việc quản lý, xử lý học sinh vi phạm chỉ có thể tiến hành trong khuôn viên của trường, vì một số trường hợp vi phạm trên đường, chỉ khi lực lượng chức năng gửi thông báo thì nhà trường mới được biết.

Trong khi đó, một số học sinh cá biệt có xu hướng thích thể hiện bản thân bằng những hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, chạy quá tốc độ quy định, thậm chí tụ tập dàn hàng trên đường.

Học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy.

Nêu cao trách nhiệm của phụ huynh

Để đảm bảo ATGT cho học sinh đến trường, thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ tỉnh, Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã tăng cường nhiều hoạt động tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm; đồng thời đa dạng các hình thức tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho học sinh - sinh viên. Nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ 2008; Nghị định 100 và Nghị định 123 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt… Tuyên truyền văn hóa giao thông, những hành vi vi phạm cần tránh cũng như kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Trong đó, Công an TX. Giá Rai đã cho hơn 4.000 học sinh THPT trên địa bàn cam kết không vi phạm TTATGT.

Trên địa bàn TP. Bạc Liêu, trong cao điểm tháng 9 - Tháng ATGT cho học sinh đến trường, Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an TP. Bạc Liêu) đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, tổ chức ký cam kết chấp hành Luật Giao thông cho học sinh và các bậc phụ huynh. Chủ động tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó chú trọng vào đối tượng là thanh thiếu niên và học sinh. Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng thanh thiếu niên và học sinh điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT như: đánh võng, nẹt pô, rú ga, bốc đầu, vượt ẩu, lạng lách... gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, uốn nắn ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm. Đừng buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, cho cơ quan chức năng bởi trước hết, sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo được sức khỏe và tính mạng của chính con em mình và cả những người cùng tham gia giao thông.

Mai Đinh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.