Đấu tranh, triệt xóa tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng, nhóm

Thứ Hai, 22/01/2018 | 16:05

Bài cuối: Những đúc kết từ thực tiễn

>>Bài 1: Nhận diện phương thức hoạt động và thủ đoạn của tội phạm

>>Bài 2: Chủ động đấu tranh, xóa sổ bằng mọi biện pháp

Thời gian qua, tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng, nhóm dù luôn có những hành động tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhưng khó qua khỏi “lưới trời” lồng lộng. Chiến công lớn nhất của Công an Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung đã tạo được môi trường an toàn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. PGS-TS, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá: “Bạc Liêu đã đưa ra được bức tranh tổng thể về tình hình tội phạm băng, nhóm và nhiều cách làm hay trong đấu tranh, triệt xóa rất cần để công an các tỉnh tham khảo, nhân rộng”.  

NHIỀU KINH NGHIỆM HAY

Thượng tá Nguyễn Văn Định - Trưởng Công an huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đã mang đến Tọa đàm khoa học chủ đề “Công tác phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng, nhóm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh giáp ranh” những bài học hay từ thực tiễn. Theo Thượng tá Định, kiểu rượt đuổi từ huyện này sang huyện kia, tỉnh này sang tỉnh nọ sẽ chẳng mang lại kết quả cao trong công tác phòng, chống tội phạm hình sự. Những quy chế, kế hoạch phối hợp bảo vệ an ninh trật tự ở cụm địa bàn giáp ranh đã ra đời từ đó. Hai huyện: Long Mỹ - Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đã làm tốt công tác trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến an ninh trật tự, kể cả thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng hình sự để công an các địa phương giáp ranh chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Phương pháp mang lại hiệu quả mà Đại tá Lưu Thành Tín - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo lực lượng công an trong tỉnh là thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục đối tượng sưu tra, nhất là đối tượng băng, nhóm tội phạm hình sự. Tăng cường công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện.

Trong nhóm biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, Đại tá Lưu Thành Tín đề nghị cần nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, xây dựng và sử dụng đội ngũ cộng tác viên bí mật. Với Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, trên mặt trận đấu tranh, triệt xóa tội phạm băng nhóm cần đi đôi với việc tăng cường quản lý, chủ động công tác phòng ngừa tiêu cực, sai phạm, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, né tránh, dung túng, bao che, “bảo kê” để tội phạm tồn tại kéo dài… Trong công tác phòng ngừa xã hội, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm băng nhóm, Trung tá Nguyễn Thị Phương Khanh - Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào (Công an Bạc Liêu) cho rằng, cần tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng như: Ban bảo vệ an ninh trật tự, ban bảo vệ dân phố, đội dân phòng, tổ nhân dân tự quản về an ninh trật tự, tổ hòa giải… cùng với các mô hình hiện có trên địa bàn. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn và trực tiếp giải quyết các vụ việc mới nảy sinh ngay tại cơ sở.

Dấn thân trên nhiều mặt trận, bài học kinh nghiệm được Trung tướng Nguyễn Công Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đưa ra là tùy thuộc vào tình hình thực tế, công an các địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tấn công, trấn áp cụ thể với từng băng, nhóm tội phạm theo phương châm “cắt ngọn, tỉa cành, cưa thân, đào gốc”.

Đại tá Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh (thứ ba từ trái sang) trao quà lưu niệm cho Công an các tỉnh Tây Nam bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Ảnh: T.Đ

NHỮNG ĐỀ XUẤT MỚI

Từ thực tiễn chỉ đạo “đánh án” lập nhiều chiến công, Đại tá Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh đúc kết, công tác nghiệp vụ cơ bản phải đi vào trọng tâm đối tượng, địa bàn cụ thể. Tới đây, Nhà nước cần có chế tài xử lý vi phạm ở mức nghiêm khắc đối với những người nước ngoài lợi dụng việc thăm thân nhân, du lịch để hoạt động trái pháp luật; có cơ chế, biện pháp riêng nhằm tạo khả năng, cơ sở pháp lý đấu tranh triệt để với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Ở góc độ quản lý ngành, lãnh đạo Công an Bạc Liêu cho rằng, tới đây cần quy trách nhiệm cụ thể đối với công an đơn vị, huyện, thị xã, thành phố không quản lý chặt chẽ, để hình thành băng, nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vướng mắc trong công tác xây dựng luật mà đồng chí Dương Công Lập - Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu đề nghị bổ sung là người có hành vi chuẩn bị hoặc thành lập, tham gia băng nhóm thì không chỉ chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị, thành lập hoặc hành vi tham gia mà còn chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm mà người đó tham gia thực hiện cùng với nhóm. Trên thực tế, tòa án các cấp không thể xử lý các đối tượng trong băng, nhóm về hành vi thành lập, tham gia băng nhóm tội phạm có tổ chức. Bởi trong Bộ luật Hình sự hiện hành không có điều luật nào quy định hành vi thành lập, tham gia băng, nhóm tội phạm có tổ chức nhằm đạt được lợi ích vật chất. Điển hình như băng, nhóm tội phạm liên tỉnh do Nguyễn Thành Được cầm đầu diễn ra năm 2016. Tòa án tỉnh Bạc Liêu chỉ kết án các bị cáo về những tội danh cụ thể như: “Trộm cắp tài sản”, “Cướp giật tài sản”, “Cố ý gây thương tích”, “Tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”… mà không thể kết án bị cáo về hành vi thành lập, tham gia băng, nhóm tội phạm có tổ chức. Như vậy, quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh với những băng, nhóm tội phạm.  

Các chuyên gia về tội phạm học đến từ các trường trong hệ thống công an nhân dân đều có chung đề xuất cần thiết phải có Luật Đấu tranh, phòng chống tội phạm có tổ chức và Luật Bảo vệ nhân chứng. Bởi khi đặt vấn đề xử lý đối với hành vi không tố giác hoặc che giấu tội phạm thì đồng thời phải đặt ra những biện pháp thiết thực bảo vệ những người dám đứng ra tố giác tội phạm. Băng nhóm tội phạm có tổ chức, có cơ cấu chặt chẽ, có phạm vi hoạt động rộng, có “chân rết” rất nguy hiểm. Các đối tượng luôn đặt ra những quy định hà khắc để bảo vệ tổ chức và không ngại thực hiện hành vi mua chuộc những người xung quanh. Khi biện pháp mua chuộc, lôi kéo không thành, chúng không ngần ngại sử dụng bạo lực để “đè bẹp” những người có hành vi tố giác. Việc bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi đe dọa người tố giác tội phạm là nhằm động viên mọi người trong xã hội tham gia tố giác tội phạm, xây dựng một xã hội bình yên. 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đồng chí Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, từ thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm cho thấy, bên cạnh công tác đấu tranh, bài trừ tội phạm băng nhóm thì cả hệ thống chính trị cần tập trung giải quyết tốt hơn vấn đề chính sách xã hội; tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động và người hoàn lương để họ không bị các băng, nhóm tội phạm hình sự lợi dụng xúi giục, lôi kéo đi vào con đường phạm pháp…

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.