Đấu tranh, triệt xóa tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng, nhóm

Thứ Tư, 17/01/2018 | 16:50

Là địa phương có nhiều chiến công trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên tỉnh, Bạc Liêu đã vinh dự được Bộ Công an chọn làm nơi diễn ra Tọa đàm khoa học chủ đề “Công tác phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng, nhóm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh giáp ranh”. Diễn đàn khoa học được Tỉnh ủy Bạc Liêu và Bộ Công an đánh giá có nhiều ý nghĩa cho công an các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ trước tình hình gia tăng và diễn biến phức tạp của loại tội phạm này.

Từ kết quả buổi tọa đàm, Báo Bạc Liêu trân trọng giới thiệu loạt bài với nhiều góc nhìn của các chuyên gia về tội phạm học, lãnh đạo công an các tỉnh và những cán bộ thực tiễn có nhiều kinh nghiệm…

Bài 1: Nhận diện phương thức hoạt động và thủ đoạn của tội phạm

Tại tọa đàm khoa học, tham luận của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Bạc Liêu) thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Mặc dù không phải “mảnh đất béo bở” của bọn tội phạm, nhưng Bạc Liêu đã trở thành điểm “dừng chân” của nhiều băng, nhóm tội phạm trộm cắp liên tỉnh, thậm chí xuyên quốc gia. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua, tội phạm trộm cắp tài sản luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các vụ phạm pháp hình sự.       

Quang cảnh tọa đàm khoa học do Tỉnh ủy Bạc Liêu phối hợp với Bộ Công an tổ chức. Ảnh: T.Đ

GÓC NHÌN CỦA CẢNH SÁT HÌNH SỰ

Đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bạc Liêu), tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh những năm gần đây nhìn chung đã được kiềm chế. Tuy nhiên, vẫn còn một số loại tội phạm có diễn biến phức tạp, trong đó, tội phạm trộm cắp tài sản xảy ra nhiều và có chiều hướng gia tăng. Thủ đoạn và tính chất hoạt động của chúng rất đa dạng, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, khám phá của cơ quan công an, nhất là các băng nhóm tội phạm hoạt động lưu động, liên tỉnh.

Theo thống kê, từ năm 2012 - 2016, trong số 2.596 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn tỉnh, tội phạm trộm cắp tài sản chiếm 52%. Nếu như năm 2012, tội phạm trộm cắp chiếm 40% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự thì tới năm 2016, con số đó tăng lên 57%.

Nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng loại tội phạm này rất đa dạng, nhưng chủ yếu xuất phát từ đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tài sản, tiện nghi sinh hoạt trong nhà càng nhiều, có giá trị cao. Kèm theo đó là sự lơ là, mất cảnh giác trong việc tự bảo vệ tài sản của người dân, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. Đặc biệt, ở vùng nông thôn ý thức của người dân trong bảo vệ tài sản chưa cao, hay chủ quan nên tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho bọn tội phạm hoạt động.

Song song đó, nhiều tệ nạn xã hội phát sinh, phát triển, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đang gia tăng; một bộ phận thanh niên lười lao động, có thói quen hưởng thụ, thích ăn chơi, đua đòi, vướng vào tệ nạn xã hội dẫn đến hành vi phạm tội. Đối tượng phạm tội này thường là nam giới, ở độ tuổi thanh niên, có trình độ văn hóa thấp, đa số không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định. Các băng nhóm có từ 2 đối tượng trở lên và đa số hoạt động trộm cắp chuyên nghiệp, có nhiều tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản. Chúng móc nối với nhau thành một đường dây khép kín từ khâu trộm cắp đến khâu vận chuyển và tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, các vụ trộm cắp đa số xảy ra vào ban đêm, một số ít xảy ra vào ban ngày, chủ yếu là buổi trưa và chiều.

Kết quả điều tra cho thấy, loại tội phạm trộm cắp vào ban đêm, đối tượng chủ yếu là người địa phương. Do chúng thông thạo đường, am hiểu nếp sống, sinh hoạt của người dân nên đêm khuya là thời điểm thích hợp để chúng thực hiện hành vi nhằm tránh sự phát hiện của quần chúng. Với tội phạm trộm cắp xảy ra vào ban ngày, đa số đối tượng đến từ các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang…

Thủ đoạn mà đối tượng phạm tội thường sử dụng là nghiên cứu kỹ địa bàn, quy luật sinh hoạt của người bị hại rồi tìm sơ hở, chọn thời điểm phù hợp để gây án. Chúng sử dụng chìa khóa vạn năng, kìm cộng lực, tua vít… để mở, phá khóa, cắt hàng rào lưới, cạy kiếng, cắt cửa sổ đột nhập vào nhà, sau đó dùng xà beng cạy két sắt lấy trộm tài sản. Ngoài ra, đối tượng phạm tội còn lợi dụng sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nạn nhân khi khóa cửa không chắc chắn, khóa xe không cẩn thận đã tạo điều kiện để chúng đột nhập vào nhà trộm xe, hoặc lấy cắp tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Trước tình hình đó, từ năm 2012 đến nay, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh đã triệt xóa 65 băng, nhóm trộm cắp tài sản liên quan đến 438 đối tượng. Trung tá Hoàng Ngọc Đạo - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Cái khó trong công tác đấu tranh với tội phạm này là chúng luôn được tổ chức thành băng, nhóm, hoạt động liên huyện, liên tỉnh (cá biệt có băng nhóm hoạt động xuyên quốc gia), có sự phân công, cấu kết chặt chẽ thành đường dây trộm cắp và tiêu thụ mang tính chuyên nghiệp cao. Cơ quan công an điều tra tới đâu, đối tượng khai tới đó, khai báo nhỏ giọt, gây khó khăn cho công tác điều tra mở rộng vụ án”. 

NHẬN DIỆN NGUYÊN NHÂN…  

Là cán bộ có nhiều kinh nghiệm, Thượng tá Lại Quang Huấn (Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) xác định có 5 nguyên nhân cơ bản làm phát sinh, phát triển tội phạm hình sự hoạt động dưới hình thức băng, nhóm trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ. Trước hết, về phía gia đình, phần lớn các đối tượng vi phạm pháp luật đều có gia đình gặp hoàn cảnh éo le như: cha mẹ không có việc làm, hoặc công việc không ổn định; cha mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc; trong gia đình thường xảy ra bạo lực; cha mẹ ly dị, sống ly thân… Do đó, con em trong những gia đình này thường thiếu sự quan tâm, giáo dục của người thân, bị đẩy vào hoàn cảnh phải bỏ học, lang thang kiếm sống, bị rủ rê, lôi kéo vào con đường phạm tội. Về phía nhà trường, tuy đã có nhiều cố gắng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý học sinh nhưng một số trường học vẫn còn mang  “bệnh thành tích”, việc giáo dục đạo đức, lối sống chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng học sinh bỏ học, ứng xử côn đồ với bạn bè, mang hung khí, vũ khí đến trường lớp chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong quản lý và giáo dục học sinh chưa chặt chẽ, thường xuyên.   

Góc độ xã hội, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nếp sống văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma túy chưa thường xuyên, liên tục, không phù hợp với trình độ, lứa tuổi. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin còn bất cập; tình trạng sao in băng đĩa hình văn hóa phẩm đồi trụy, kích động bạo lực tràn lan; các nội dung đồi trụy trên Internet dễ dàng truy cập, không kiểm soát được. Cờ bạc núp bóng trò chơi điện tử nở rộ… Với đối tượng vi phạm, hầu hết là do bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi bời, đua đòi các thói hư, tật xấu. Đặc biệt, số trẻ từ 16 - 18 tuổi gây án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có xu hướng tăng cao.

Những nguyên nhân khác do tình trạng cho vay nặng lãi diễn ra phổ biến ngoài xã hội, các con nợ không có khả năng trả, dẫn đến các chủ nợ không cần đưa ra cơ quan pháp luật mà cho đàn em, hoặc thuê mướn các băng nhóm giang hồ ngoài xã hội dùng hung khí nguy hiểm đi đòi nợ thuê. Chúng có hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần, bắt cóc con nhỏ hay những thành viên trong gia đình của các con nợ, nạn nhân để tống tiền. Từ đó xảy ra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… mà phần lớn do các băng, nhóm giang hồ đòi nợ thuê gây ra.   

Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.