360 độ học đường

Nằm trong tiếng nói yêu thương…

Thứ Sáu, 13/10/2017 | 16:06

“Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời…”, thi sĩ Huy Cận đã nói hộ cho chúng ta bằng những dòng thơ trong trẻo, đậm đà như thế. Thời học sinh, tôi đã dành tiền mua những tập thơ bỏ túi và tôi yêu bài thơ ngắn ấy từ đó. Hôm nay nghe các bé trong mấy trường “quốc tế” trọ trẹ, bất giác tôi lại thương câu thơ như rứt ruột sinh thành của ông…

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, tôi vẫn nghĩ về câu nói ấy bằng niềm tự hào. Tiếng Việt thách đổ cả người bản ngữ chứ không chỉ với người nước ngoài. Cũng từ ngữ đó, cũng câu chữ đó, nhưng trong tiếng Việt, ở mỗi tình huống người nghe phải hiểu khác nhau. Và cùng một thông điệp nhưng có khi lại được nói thế này, có lúc lại nói thế kia. Lời ăn tiếng nói đầy hàm ẩn, kín đáo biểu hiện cốt cách của cả một dân tộc. Nếu thay vì chỉ nói “green” (màu xanh) thì tiếng Việt lại có cả một lớp từ riêng để chúng ta tha hồ nói sao cho cụ thể, chi tiết hơn: xanh đậm, xanh nhạt, xanh non, xanh đọt chuối, xanh lá mạ, xanh rêu, xanh ngọc… Không phải giao tiếp với người nào, người Việt cũng xưng I (tôi) gọi you (bạn). Tùy ngữ cảnh, tùy đối tượng, vai trò mà lựa chọn ngôn từ phù hợp. Mỗi cặp đại từ xưng gọi trong tiếng Việt đều có sắc thái biểu cảm, ý nghĩa giao tiếp riêng. Có thể nói, vốn từ tiếng Việt phản ánh một nét tính cách của dân tộc ta: Mọi thứ đều phải được phân biệt rõ ràng, khúc chiết. Mỗi một ngôn ngữ có một vẻ đẹp riêng và đại diện cho dân tộc mà nó được sinh ra và tồn tại vì dân tộc đó. Tiếng Việt sinh ra vì dân tộc Việt Nam, vì dân tộc Việt Nam mà tồn tại. Không một sự ngợi ca nào có thể đủ tụng ca hết vẻ đẹp của tiếng Việt yêu thương.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tính lâu đời và quan trọng của tiếng Việt, văn hóa Việt trong tiến trình lịch sử khu vực. Lịch sử dựng nước của dân tộc ta gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong những thứ phải giữ của đất nước, có việc giữ tiếng nói của dân tộc. Nhiều thế hệ vẫn tự hào rằng dù bị ngàn năm đô hộ nhưng dân tộc ta vẫn giữ được tiếng nói của mình. Ông cha ta đã vay mượn chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm ghi lại tiếng mẹ đẻ của mình. Thế kỷ 20, tiếp bước tiền nhân, những thế hệ tiếp nối đã cố gắng vận dụng hệ thống chữ cái La-tinh để ghi lại sinh động, chính xác hơn nữa tiếng Việt.

Tiếng Việt, một tiếng nói gắn liền cùng sinh mệnh dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước luôn xứng đáng là biểu tượng tinh thần cho sự bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chúng ta đang sống trong một thời đại được gọi là thời đại của“ thế giới phẳng”. “Phẳng” trong trí tuệ, thông tin,… nhưng chớ “phẳng” cả ý thức giống nòi. Có người từng nói rằng “tiếng ta còn thì nước ta còn”, với tôi đó như một lời nhắc nhở sâu xa...

Trần Phong

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.